7.5.14

Vùng đặc quyền kinh tế là gì?

Vùng đặc quyền về kinh tế là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, và được đặt dưới chế độ pháp lý riêng theo đó các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như các quyền và các quyền tự do của quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh. Chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Nói khác đi, chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế là 188 hải lý.
 Vùng đặc quyền kinh tế là gì?
Đồ họa: Như Khanh

Vùng đặc quyền về kinh tế không phải là biển cả mà là một vùng đặc thù sui generic, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 quy định, không chia sẻ với các quốc gia khác. Để xác lập vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển cần đưa ra tuyên bố về vùng đặc quyền về kinh tế để xác lập quyền của mình. 


Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có: 

 a) Các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. 

 b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:
  • Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; 
  • Nghiên cứu khoa học về biển;
  • Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; 
 c) Các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định. 

Quốc gia ven biển quản lý các tài nguyên trong vùng đặc quyền về kinh tế: 
  • Đối với các tài nguyên không sinh vật, quốc gia ven biển tự khai thác hoặc cho phép quốc gia khác khai thác cho mình và đặt dưới quyền kiểm soát của mình.
  • Đối với các tài nguyên sinh vật, quốc gia ven biển tự định ra tổng khối lượng có thể đánh bắt được, tự đánh giá khả năng thực tế của mình trong khai thác và ấn định số dư của khối lượng cho phép đánh bắt. Nếu có dư, quốc gia ven biển có thể cho phép các quốc gia khác khai thác số dư thông qua điều ước hoặc thỏa thuận giữa các bên, quốc gia cần ưu tiên cho các quốc gia không có biển hoặc các quốc gia bất lợi về địa lý. 

Quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn và quản lý nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền về kinh tế của mình khỏi bị khai thác quá mức. 

Thực hiện các quyền chủ quyền nêu trên theo Công ước về Luật biển năm 1982, quốc gia ven biển có quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các quy định mà họ đã ban hành theo đúng Công ước. Tuy nhiên, cần lưu ý:
  • Khi có sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này. 
  • Không được áp dụng các hình phạt giam giữ cũng như các hình phạt thân thể khác nếu không có thỏa thuận khác. 
  • Phải thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ vi phạm biết các biện pháp cũng như các chế tài áp dụng. 
Trong vùng đặc quyền về kinh tế, các quốc gia khác đều được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm cũng như quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước. Khi đặt đường ống, phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển.

Vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam là gì? 

Tuyên bố 77 xác lập chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế Việt Nam là 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Nhà nước Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền về kinh tế Việt Nam, có các quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền về kinh tế nhằm mục đích kinh tế, có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam, có thẩm quyền riêng biệt trong việc thiết lập, lắp đặt và sử dụng các công trình, các đảo nhân tạo, có thẩm quyền riêng biệt về bảo vệ chống ô nhiễm môi trường.

Theo-https://sites.google.com/site/tuquivabiendong/khainiemcoban/vungdacquyenkinhte