14.9.14

Cùng Hoàng Cầm Đi Tìm Lá Diêu Bông

 Ngô Minh
Tác giả: Ngô Minh

Từ thuở ấy 
Em cầm chiếc lá 
đi đầu non cuối bể 
Gió quê vi vút gọi 
Diêu bông hời… 
… ới Diêu bông…! 
Nhà thơ đi tìm. Người yêu thơ đi tìm. Những lứa đôi đi tìm. Nhưng nào ai tìm thấy ! Còn cái “Lá Diêu Bông“ viết hoa ấy vẫn ẩn hiện đâu đó nơi phố xá làng quê, nơi rừng sâu núi thẳm. Hoàng Cầm đa tình, kiêu sang mà cay đắng. Có phải bởi Hoàng Cầm cũng là tên của một vị thuốc bắc có vị đắng tận cùng ?. Hoàng Cầm là ông hoàng về thơ tình Việt Nam từ 50 năm nay. Bài thơ Lá Diêu Bông là một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của ông, không thua kém gì, về mặt thơ, có khi vượt bài thơ Bên kia Sông Đuống. Lá Diêu Bông là một dấu ấn buồn thảm nên thơ nhất của đời ông. 

Câu chuyện tình bắt đầu nửa đêm mùa đông năm 1959, ba năm sau vụ Nhân Văn- Giai phẩm, Hoàng Cầm trăn trở không ngủ được, trong ánh sáng lời mờ của ngọn đèn ngủ 6w . Nhà thơ chợt nghe bên tai vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ thầm thĩ trong đêm, mà rất rành rọt đọc chậm rãi từng câu thơ. Giọng nữ có tiết điệu, nghe như từ xa xưa vẳng tới : 
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng 
Chị thẫn thơ đi tìm… Nhà thơ xoay người lấy giấy bút để sẵn đầu giường ra chép từng câu một. Bài thơ Lá Diêu Bông ra đời như thế. Nghĩa là thần linh đọc cho ông chép chứ không phải ông làm ra bài thơ!. Một bài thơ tình lạ : Tình EM và CHỊ . Lạ lùng và huyền hoặc hơn là mối tình chỉ xoay quanh một chiếc lá gọi là Lá Diêu Bông : 
Chị bảo 
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông 
Từ nay ta gọi là chồng. 
Cái Lá như một lời thách đối, thách cưới, cái lá như là sự trớ trêu, thử thách sự chịu đựng của con tim nhạy cảm và tâm hồn đa cảm. 

Vậy cái Lá Diêu Bông ấy là cái lá gì vậy? Không ai biết. Ngay cả tác giả, người đã nhiều lần “Em tìm thấy lá” vẫn không biết nó là lá gì, ở đâu . Hoàng Cầm bảo :” Thần linh đọc Diêu Bông, tôi chép Diêu Bông, thế thôi !” 



Có lần đi làm báo ngang qua Đèo Con ( Hà Tĩnh) phía ngoài Đèo Ngang, tôi bắt gặp cái biển quảng cáo các món ăn. Bên dưới có ghi một câu rất gợi :” Ở đây có Lá Diêu bông”. Tôi ghé quán, hỏi Lá Diêu bông là lá gì ? Cô chủ quán trẻ măng mắt liếc dao cau, cười đưa đẩy :” Anh muốn là lá gì thì nó là cái lá đó”. Nghĩa là nhà thơ Hoàng Cầm đã sáng tạo ra một thứ lá ảo. Thứ lá mà ai cũng thuộc tên, cũng mường tượng được hình dáng nó, nhưng nó lại không có thực bao giờ! Cũng có thể gọi bài thơ Lá Diêu Bông là câu chuyện cổ trong Nghìn lẻ một đêm , các chàng trai phải đi tìm được một cái gì đó, giết được một con vật độc ác nào đó nhà vua mới gả công chúa cho. Nhưng tìm mãi, có khi tìm được mà vua bảo “không phải”, thế là đành “ngậm một mối hờn” đi tìm tiếp. Tôi cho rằng, bài thơ Lá Diêu Bông là một “hiện thực huyền ảo” trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhạc sĩ Trần Tiến dùng lá Diêu bông làm hồn cho ca khúc “Sao em vội lấy chồng” viết theo đơn đặt hàng cơ quan tuyên truyến sinh đẻ có kế hoạch. Nghĩa là cái Lá Diêu Bông ấy không chỉ là tình yêu mà nó còn có dính dáng đến vợ chồng, sinh đẻ. Nhiều doanh nhân đặt tên cho quán mình là Quán Diêu Bông…Ấy cũng là một cách tìm Lá. 

Trong suốt cuộc đời mình cho đến hôm nay Hoàng Cầm có tất cả 13 Nàng Thơ xương thịt. Ông bảo “Đó là những hồn người đã gọi ra nhịp điệu, âm thanh, đường nét sắc màu” những bài thơ tình của ông. Theo nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, thì ông đã cho mọi người biết tên của 9 nàng, còn 4 nàng là tên viết tắt. Trong 9 nàng có tên, có chị Vinh “diêu bông” và chị Nghĩa “tam cúc”đã làm nên thời ký “Thơ Chị Em” của Hoàng Cầm. Nhà thơ Hoàng Cầm kể trên sóng phát thanh :” Năm 12 tuổi, tôi say mê một người con gái láng giềng hơn tôi những 8 tuổi….”. Một chiều thứ bảy, cậu bé Bùi Tằng Việt thấy một cô gái hàng xóm đang mua thứ gì đó ở quán của mẹ. Khi cô ấy ngẫng đầu lên, nhìn ra đường thì cậu bé lên tám choáng người, bị ngay “tiếng sét ái tình” Người con gái đẹp đến mê hồn. Thế là cậu bé làm một trang thơ lục bát tặng người tình trong mộng . “Em gửi chị Vinh của em”. Chị Vinh cũng váy lụa Đình Bảng, áo cánh lụa mỡ gà, khăn vuông mỏ quạ , đi Hội Lim chị là bà chúa quan họ, giọng ngọt như mật. Từ đó CHỊ đi đâu EM theo đó. Lẽo đẽo bụi hồng. Cho đến một ngày tròn 12 tuổi, cậu bé theo sau chân chị ra đồng. 
– Chị Vinh ơi chị tìm cái gì thế”. 
Chị Vinh quay phắt lại, giọng bỡn cợt : 
– Ừ , Chị đi tìm tìm cái lá… ấy đấy, đứa nào tìm được cái lá… ấy ta gọi là chồng ! 
Hai ngày em tìm thấy Lá 
Chị chau mày Đâu phải lá Diêu bông 
Mùa đông sau em tìm thấy Lá 
Chị lắc đầu Trông nắng vãn bên sông 
Ngày cưới Chị Em tìm thấy Lá 
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim 
Chị ba con Em tìm thấy Lá 
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn 

Từ khi “Chị thẫn thơ đi tìm / Đồng chiều / Cuống rạ” cho đến “ Mùa đông sau…, Ngày cưới chị…rồi khi “Chị ba con” là một quãng thời gian rất dài, rất dài. Vậy mà EM vẫn kiên nhẫn miệt mài đi tìm Lá để chứng minh cho tình yêu thương đối với CHỊ của mình. Và Em đã bốn dạo “Tìm thấy Lá”, nhưng đều bị CHỊ từ chối không “gọi là chồng”. Bi kịch của tình yêu, bi kịch cuộc đời là vậy . Yêu nồng nàn , nhưng không tới được hạnh phúc. Cho nên 
Từ thuở ấy 
Em cầm chiếc lá 
đi đầu non cuối bể 
Gió quê vi vút gọi 
Diêu bông hời… 
Ới Diêu Bông… ! 
Đoạn kết bài thơ như một tiếng kêu thảng thốt, nấc ngẹn, đẩy nỗi buồn đau đến vô cùng . Bài thơ là một giấc mộng, là câu chuyện cổ tích về mối tình đầu của Hoàng Cầm. Với ngôn ngữ vùng Kinh Bắc dân giã mà chắt lọc, bài thơ như pho tượng đài tình yêu bằng kim cương lấp lánh. Ôi, thơ là ngôn ngữ kỳ diệu của trí tưởng tưởng. Nhà thơ sáng tạo ra hình tượng thơ, còn người đọc thơ, cảm thơ thì mỗi người cảm nhận một cách khách nhau. Đó là “ý tại ngôn ngoại” của thơ, do chiều sâu của bài thơ quy đinh. Đó cũng là cội nguồn gây ra bao rắc rối cho tác giả Lá Diêu Bông… 

Tôi quen biết nhà thơ Hoàng Cầm nhờ anh Phùng Quán. Năm 1985, ra Hà Nội, tôi ngụ tại Chòi Ngắm Sóng của Phùng Quán. Ngày nào anh cũng đèo tôi bằng cái xe đạp cuốc Liên Xô cao lêu nghêu đi thăm các nhà thăm Trần Dần. Hoàng Cầm, Phùng Cung…Sau đó, tôi gặp anh nhiều lần ở nhà anh Phùng Quán, hay trong các kỳ Đại hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1993, Hoàng Cầm cho xuất bản tập thơ Lá Diêu bông, một phần trong tập “Về Kinh Bắc “ viết trong 2 năm 1959, 1960. Sau nhiều trắc trở, mãi đến tháng 7- 1994, tập thơ “Về Kinh Bắc” mới được ấn hành. Ông tặng tôi một tập với lời đề tặng rất “bạn bè” “Tặng bạn Ngô Minh”, mặc dù về tuổi ông là bậc cha chú, về thơ ông là bậc thấy. 

Đọc Lá Diêu Bông, ngoài câu chuyện tình đơn phương như huyền thoại ấy, tôi còn miên man nghĩ đến một “thông điệp” khác rất “bỏng cháy” phát ra trong từng câu chữ thơ. Tại sao EM tìm thấy LÁ mà CHỊ vẫn “chau mày”, “ lắc đầu”,” xoè tay phủ mặt không nhìn” ? CHỊ là ai ? Tạo sao CHỊ lại nhất quyết cự tuyệt tình yêu của EM đến vậy, mà không một lời giải thích , không một chút thương tâm ? Sao Chị lại Vô Tình, Vô Tâm đến vậy ? Đó có phải là một phần số phận đắng cay, ẩn ức của Hoàng Cầm được thể hiện dưới dạng thức thơ tình ? Sinh thời, anh Phùng Quán thường kể với tôi, sau vụ Nhân Văn – Giai phẩm, Hoàng Cầm là người “sám hối” mạnh mẽ nhất để mong sớm được làm thơ, viết văn trở lại. Ông làm nhiều thơ gửi lên cấp trên để mong được “cứu xét”. Rồi ông chờ đợi. Nhưng không một hồi âm. Nhớ lại thời kỳ này, nhà thơ Hoàng Cầm kể với phóng viên báo An Ninh Thủ đô ngày 28/2/2007 :” Lúc đó chúng tôi chỉ biết lấy sáng tác để khắc phục, làm đêm làm ngày, tập trung sáng tác để quên đi cái khổ. Chỉ có cách khắc phục bằng lý tưởng cách mạng của mình thôi chứ biết làm sao…”. Ông đã làm hết sức mình để thể hiện lòng trung trinh như nhất của mình, nhưng vẫn bị nghi ngờ, chối bỏ! Thế là ông mượn thơ để giải toả nỗi thất vọng của mình. Có lẽ không phải riêng tôi mà chắc ai rành thơ cũng nghĩ như thế. Vì bài thơ “ mỗi lời là một vận vào khó nghe” với số phận ông Hoàng. 

 Nhà thơ Hoàng Cầm không chỉ bị nạn trong vụ “Nhân Văn- Giai phẩm”. Bài thơ “ Lá Diêu bông” ra đời cũng đã làm cho Hoàng Cầm phải bị vô tù tội điêu đứng. Nhà thơ Hoàng Cầm kể với vợ chồng anh Phùng Quán và tôi trên “Chòi ngắm Sóng” bên Hồ Tây một câu chuyện buồn. Mùa thu năm 1982, bỗng nhiên xe Công an đến nhà riêng 43-Lý Quốc Sư Hà Nội đọc lệnh bắt ông Bùi Tằng Việt ( tên thật của nhà thơ Hoàng Cầm) vô tù về tội chứa chấp người buôn bán sử dụng ma tuý. Hoàng Cầm thì xưa nay đã thành nếp, ngày nào cũng hút vài “vê” nàng Tiên Nâu mới tỉnh trí để sáng tác. Bây giờ đã 88 tuổi rồi, ông vẫn chơi “cơm đen”. Đã hút thì phải có người cung cấp thuốc, tất nhiên… 

Thực ra, thì trước đó Công an đã bắt nhà thơ Hoàng Hưng vì nhà thơ này định chuyển bản thảo tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm, do Hoàng Cầm đưa ra hải ngoại để in ấn. Do vậy, Hoàng Cầm bị bắt. Trong tập thơ đó có bài thơ “ Lá diêu bông” . Ở trong nhà giam, “cán bộ” đưa cho nhà thơ bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc, bảo Hoàng Cầm mỗi ngày phải viết kiểm điểm về từng bài, từng chữ trong đó. Khi nào kiểm điểm “thành khẩn” mới được tha. Về Kinh Bắc là tập thơ trữ tình hay nhất, tâm huyết nhất của Hoàng Cầm. Ông đọc đi đọc lại chẳng thấy có gì “sai đường lối” cả. Nhưng “cán bộ” trai giam vẫn không chịu, vẫn bắt viết kiểm điểm. Một hôm ông nghĩ “Có lẽ do bài Lá Diêu Bông chăng?”. Vì đây là bài thơ duy nhất có độ “nhoè” cao, dễ gây ra những ý nghĩa mơ hồ . Thế là Hoàng Cầm viết kiểm điểm ngay bài thơ “Lá Diêu Bông”. Quả nhiên, khi nộp kiểm điểm, ông thiếu tá công an vui vẻ cảm ơn nhà thơ. Đúng là bài thơ đã tạo ta hai hình ảnh đối nghịch :CHỊ bà EM. Đọc trong văn cảnh, người ta nghĩ ngay đến CHỊ đây là người có quyền muốn làm gì thì làm, tức là Nhà nước. Còn EM là nhà thơ, là văn nghệ sĩ, yêu CHỊ mà CHỊ không yêu cũng phải cam chịu. Muốn theo chị mà chị không cho, chị lắc đầu. Thế là vì “Lá Diêu Bông”, Hoàng Cầm đã phải ngồi tù 18 tháng.Tôi thấy công an đọc thơ như thế cũng “khen cho con mắt tinh đời”. Nhưng, thực tình “Lá Diêu Bông” không phải là bài thơ CHỐNG ĐỐI, không có ý gì chống đối ẩn trong đó cả, mà chỉ là bài thơ BUỒN, TRÁCH . Vì “buồn, vì “trách” mà phải ngồi tù năm rưỡi ròng quả là quá oan nghiệt ! Giá mà những người làm công việc “thực thi pháp luật ” hiểu văn chương tử tế hơn, hiểu cho hết, cho đúng ý tưởng bài thơ, thì chắc chắn nhà thơ Hoàng Cầm không phải bị phiền luỵ đến thế ! 

Sau đợt bị nhốt tù ấy về, nhà thơ Hoàng Cầm bị suy sụp vì khủng hoảng tinh thần. Có lần Phùng Quán đến nhà thăm, bà Hoàng Yến ( vợ Hoàng Cầm) nói với anh Quán :” Anh chú hỏng rồi ! Ai đời ăn bánh giò xong, bỏ lá bánh vào tủ khoá lại…” Từ đó, Hoàng Cầm không sáng tác nữa . Hàng ngày ông bán quán nước trà trước nhà. Bọn trẻ gọi “ Ông Cầm, cho đĩa lạc”. Thế là ông lọm khọm bốc lạc ra đĩa, bưng đến bàn cho bọn khách choai choai. Phùng Quán xót ruột hỏi :” Cái quán nước này cho anh ngày bao nhiêu mà anh phải khổ sở thế ?” .Hoàng Cầm ngậm ngùi :” Em cứ coi như thi sĩ Hoàng Cầm đã chết rồi. Bây giờ chỉ còn mỗi ông chủ quán nước Hoàng Cầm thôi !” Vì thế, Phùng Quán, đã viết bài thơ “Viết tặng nhà thơ Hoàng Cầm trong giây phút anh ngã lòng suy sụp” : 
Tôi tin núi tàn 
Tôi tin sông lấp 
Nhưng tôi không thể nào tin 
Một nhà thơ như anh 
Lại ngã lòng suy sụp!… 
…Tôi có một niềm tin 
Chắc như định đóng cột 
Mai kia anh nhắm mắt 
Đi sau linh cửu anh 
Ngoàì bạn hữu gia đinh 
Có cả con Sông Đuống!… 

Sau này. Nhà thơ Hoàng Cầm đã có lần tâm sự với chị Bội Trâm ( vợ nhà thơ Phùng Quán) :” Thơ chú Quán đã vực tôi dậy …”. Cũng có một nhà văn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã viết bài :” Một bài thơ đã cứu một nhà thơ…” kể về chuyện ấy. 

 Có người định nghĩa Lá Diêu bông là Lá yêu , những ai đang yêu mới tìm thấy lá! Tôi cho rằng Lá Diêu Bông là một trong những bài thơ tình hay nhất Việt Nam. Nhưng tôi vẫn đi tìm lá Diêu Bông theo cảm nhận của riêng mình, đi tìm cái lá Diêu Bông của số phận thi sĩ . 
Diêu Bông hời 
Ới Diêu Bông…