13.8.13

Chuyện Bên Lề - Trần Kim Ngọc - Người phụ nữ "Chỉ là giấc mơ"



Khi được hỏi về Kim Ngọc của Pop, của "Chỉ là giấc mơ", chị không phủ nhận, nhưng tỏ vẻ chẳng mặn mà...


Chỉ đại diện cho cá nhân mình!

- "Làm nghệ thuật" - với nhiều người chỉ là chiếc áo sang cả để nương vào tìm cho mình một định vị, nhưng với người khác lại là nguyên cớ cốt tử để tồn tại. Còn chị?

- Đối với cá nhân tôi, nghệ thuật không phải là mục đích - mà giống như tình yêu, nghệ thuật là kết quả của đời sống, nhận thức về tồn tại của mình với thế giới xung quanh, là cách tôi tri giác đời sống này ở mức cao nhất. Tôi chỉ tin những người làm nghệ thuật vì thúc bách ở trong nội tâm của chính anh ta, là nhu cầu của chính anh ta chứ không vì bất cứ điều gì khác. Nghệ thuật đối với tôi là khi người nghệ sĩ phải nói và cần nói câu chuyện của riêng mình, không phải để làm vui, làm hài lòng người khác, hay nhằm đạt những mục đích cụ thể như tiền, tình, quyền lực... Người nghệ sĩ chỉ sáng tạo nghệ thuật thực sự khi anh ta đang nói về câu chuyện cá nhân của anh ta, có thể câu chuyện đó cũng là vấn đề xã hội nhưng nó liên quan trực tiếp đến điều mà anh ta đau đáu, việc phải nói ra là mục tiêu tồn tại tối cao của anh ta, nếu không anh ta không còn là chính mình nữa. Câu chuyện riêng tư ấy có thể làm người khác lay động, hân hoan, hạnh phúc, cũng có khi khiến người khác khổ sở đau đớn, thậm chí là điên loạn. Nhưng ở trường hợp nào, nghệ thuật thật sự cũng sẽ hé lộ ra được bản chất của cuộc sống từ số phận và ngã thể của người nghệ sĩ. 


- Chúng ta có quá nhiều người làm giải trí, nói như vậy không có nghĩa trong giới giải trí không có người làm nghệ thuật. Nhưng ngụy nghệ thuật vẫn có thể "dọa ma" tốt ở thời buổi người ta đến với nghệ thuật như xem "hoàng đế cởi truồng"...

- Trong khung cảnh nghệ thuật quanh mình, tôi có cảm tưởng nhiều người đang làm nghệ thuật vì đó là một "nghề" của họ: được đặt hàng thì làm, phục vụ để kiếm sống, hoặc dùng nghệ thuật làm phương tiện để đạt được một mục đích khác, hay có người làm nghệ thuật chỉ để được yên tâm rằng mình là một nhân vật nào đó trong xã hội (vì họ chẳng biết mình là ai). Trung thực luôn là điều không dễ, nhiều khi chúng ta cũng ngụy biện chứ! Nhưng nhân cách lớn bao giờ cũng trung thực, tôi luôn tin vậy! 

- Rất ít khi tôi nhìn thấy chị ở những sự kiện văn nghệ mang tính bề nổi. Đưa đón con gái đi học, rồi về nhà ngồi làm việc đơn độc, thỉnh thoảng mới ló dạng giữa một nhóm nghệ sĩ underground... có vẻ như chị rất xa lạ với sinh hoạt của nền văn nghệ giải trí?

- Tôi không có nhu cầu giải trí bằng showbiz. Đâu nhất thiết vì là nhạc sĩ mà tôi phải luôn xuất hiện trước đám đông như một nhân vật văn nghệ? Tôi thậm chí có thể sống mà không làm nhạc. Chẳng qua là tôi cứ "bị" phải sáng tác một số tác phẩm âm nhạc hoặc làm một số việc liên quan tới âm nhạc. Ừ thì cho tới nay, đó là một cách để sống tốt nhất mà tôi biết và có năng lực. 
Không ở giữa đám đông phô trương của nền văn nghệ giải trí, cũng chẳng ở cực chơ vơ khó chịu của những kẻ làm nghệ thuật độc đoán, như "con nhện giăng mùng" (tên một tác phẩm của chị), Kim Ngọc tự dệt cho mình nhận diện duy nhất bằng sự cẩn trọng và can đảm, lao động nghệ thuật với thái độ quyết liệt và chuyên cần, cùng xác tín và niềm vui thích. Đừng bắt Kim Ngọc trầm trọng với những trách nhiệm hay sứ mệnh của người mở đường, dù rằng với dòng chảy Experimental music ở Việt Nam - Ngọc hoàn toàn xứng đáng được vinh danh ở vị trí đó. Chưa bao giờ than vãn mình là nữ nhạc sĩ thể nghiệm hiếm hoi lạc bầy, tránh những tuyên ngôn ồn ào - chỉ thấy Ngọc làm nhạc theo cách giản dị và chân thực nhất: như một hành trình SỐNG.


Thẩm mỹ - còn xa lắm

Các tác phẩm của chị đã vang lên ở nhiều liên hoan âm nhạc thể nghiệm quốc tế, số lượt công chúng nước ngoài được thưởng thức music-theatre của Kim Ngọc gấp nhiều lần lượt xem của khán giả trong nước. Chị có tiếc vì chia sẻ được quá ít với công chúng Việt Nam?

- Về mặt tình cảm, tôi không thấy có vấn đề gì với điều chị vừa nhắc, giống như không tổn thương vì mình ít bạn trên facebook. Còn về mặt nhận thức, tôi hiểu đó là một thực tế chứ không phải điều đáng tiếc. Giớinghệ sĩ thường có hai thái độ ứng xử: 1. Tự mình đổi màu cho thích hợp với xung quanh để tồn tại thoải mái, làm mọi cách để thích nghi, để thuộc về đám đông; 2. Hoặc quay lưng bất cần không quan tâm, "anh không chấp nhận tôi là việc của anh!". Tôi không ở trong cả hai thái độ này, tôi xác định được tọa độ của mình, ghi nhận và sống ở tọa độ ấy một cách thành thực. Và tôi làm việc bình thường, không phí thời gian chìm đắm trong "tấn bi kịch" của sự cô đơn, lạc lõng... Thái độ sống tốt nhất có lẽ là hiểu, có tri giác hợp lý về bản thân và khung cảnh xung quanh mình. Khi quan tâm, khi làm việc không ngừng, chúng ta tự nhiên sẽ có kết nối và đối thoại với cộng đồng.

Nghệ thuật đích thực sẽ không tồn tại, nếu thiếu đi những cá nhân mạnh mẽ và cái tôi cực đoan đến cùng của người làm sáng tạo. Còn với những người tìm cách thích nghi hài hòa với hoàn cảnh, chị nghĩ họ đang bị thỏa hiệp hay họ cố gắng tích cực để được kết nối? 

- Một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần khỏe mạnh phải có khả năng "trả lời", thích ứng với thay đổi xung quanh như cách cơ thể có cơ chế điều tiết thân nhiệt để cân bằng với môi trường bên ngoài. Nhưng thích nghi mà không có nhận thức đúng về bản chất vấn đề, về con người mình và thực thể xã hội thì tôi cho rằng chỉ còn là một tồn tại sinh học.

Còn khả năng thích nghi của chính chị với môi trường nghệ thuật quanh mình thì sao? Trong các kỳ cuộc của giới làm âm thanh và âm nhạc đương đại luôn không thấy chị. Chị có vẻ cô đơn trong chính cộng đồng của mình? Hay Kim Ngọc tự đặt mình ra ngoài?

- Trước đây thì tôi hơi kém về khoản đó, giờ có vẻ như đã khá hơn. Tiến trình này hoàn toàn tự nhiên, trước tiên bạn phải biết mình là ai đã, thì mới có thể có đối thoại nghệ thuật, nếu không sẽ chỉ là những cãi vã quanh quẩn. Tôi cũng cần có thời gian để trưởng thành. Bây giờ tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng cho những cuộc đối thoại, nhưng với khung cảnh nghệ thuật ở đây phải cho tôi thêm thời gian nữa thì mới có thể trả lời được bạn vài cái tên cụ thể (cho việc chia sẻ và cọ xát nghề nghiệp).

Tôi tránh các kỳ cuộc, vì không thích gặp gỡ chỉ để "giao lưu", nói những lời vuốt ve nhau. Tôi thấy môi trường nghệ thuật ở Việt Nam còn thiếu tính đối thoại theo cách thực sự, mà chủ yếu là ngụy đối thoại: họ nói chuyện với nhau đấy, nhưng chẳng biết gì về nhau, hoặc chỉ để đạt mục đích ngoại giao hay cảm xúc nào đó... Tôi không ưu tú hơn mọi người, cũng bị điểm yếu chung đó. Và bây giờ tôi đang nỗ lực cải thiện điều này.

Một thực tế là những điều khiến người làm sáng tạo đau đáu, có khi công chúng lại thờ ơ. Món ăn kỳ công chuẩn bị khi dọn ra lại không hợp khẩu vị phổ thông - thẩm mỹ đám đông và nghệ sĩ dường như "lạc nhau" ít nhiều. Không gặp công chúng, có phải bi kịch của người làm nghề?

- Việc không chia sẻ được với khán giả, tôi cho rằng vừa là nỗi thiếu thốn không nên có, đồng thời cũng là cơ hội để người nghệ sĩ lục tìm bản ngã của mình. Với một số người, sự đầy đủ không giúp họ phát triển, nếu hiểu vì sao không được chia sẻ, biết đâu sẽ giải thích được việc tồn tại của chính mình?

Cốt lõi của nghệ thuật là khiến người ta được rung động, được cộng hưởng với một ngã thể khác, chứ không phải xúc động lười biếng. Đồng cảm nghệ thuật chỉ diễn ra khi người nghệ sĩ đánh thức công chúng bằng chính trải nghiệm và những gì cá nhân anh ta đau đáu. Bị thờ ơ hoàn toàn thì phải xem lại mình đã đủ chân thực chưa. Còn thấy lạc nhau nghĩa là có một nhu cầu lớn để tìm gặp - vậy thì hãy tìm đi thôi! Mà từ "thẩm mỹ" như chị nói - chúng ta còn xa lắm để giải quyết chuyện đó. Chưa làm nghệ thuật chân thành thì không thể nói câu chuyện thẩm mỹ được.

"Chỉ là giấc mơ" là ca khúc cuối cùng
Cách đây gần 20 năm chị có viết ca khúc, những bài hát ấy đều được các diva thu âm, thậm chí đến tận bây giờ bài hát của chị vẫn vang lên ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát và những CD mới xuất bản. Nếu đi tiếp con đường nhạc Pop, biết đâu đã có một nữ nhạc sĩ nổi tiếng của nhạc trẻ đại chúng? Thực lòng, chị có tiếc thời "Chỉ là giấc mơ" không? Tôi có cảm giác chị muốn phủ nhận giai đoạn nhạc Pop của Kim Ngọc... 

- Nổi tiếng có thể nói không nằm trong mục đích sống của tôi. Tôi biết ơn từng giai đoạn sống của mình, thời "Chỉ là giấc mơ" là một thời đầy trải nghiệm xao động của tôi, một phần rất bản chất trong con người tôi, nếu thiếu giai đoạn đó - tôi không thể thành Kim Ngọc của ngày hôm nay. Bởi thế, thật dở hơi khi nói tôi phủ định mình ở nhạc Pop, chỉ là ngôn ngữ âm nhạc ấy không còn thỏa mãn tôi bây giờ nữa. Tôi đã rời bỏ nhiều ngôn ngữ âm nhạc, đâu riêng gì Pop. "Chỉ là giấc mơ" là ca khúc cuối cùng tôi viết. Đã nhiều người hát ca khúc này nhưng Uyên Linh hát gần gũi với cảm xúc của tôi nhất, trong trẻo và đầy khát khao, chắc vì cô ấy cùng lứa tuổi khi tôi viết bài này. Tôi xem clip Uyên Linh hát ở Việt Nam Idol qua You Tube, chứ cũng không xem trực tiếp khi cô ấy thi. Toàn bộ con người tôi đã rung chuyển khi nghe Uyên Linh hát, cô ấy đã cho tôi được sống lại một lần nữa trọn vẹn một giai đoạn sống mà mình dường như đã bỏ quên, tôi đã gặp lại cô gái đầy tình yêu với một khát vọng buồn trong hơn cả một giọt sương sớm mà tôi lạc mất cũng lâu lâu rồi...

Chị rất khác Kim Ngọc mà tôi gặp cách đây 5 năm, khi chị dựng "Con nhện giăng mùng". Tôi vẫn nhớ lúc đó, cảm giác của tôi về chị là một người đàn bà nồng nhiệt, chị giống như một thỏi nam châm hút tất cả những gì xung quanh mình. 

- Tôi ngày xưa rất "nháo nhác". Khi còn nhiều ham muốn, người ta còn hấp lực. Tôi không có nhu cầu về quyền lực hay việc nổi tiếng, nếu có chỉ là một chút lụy tiền bạc (vì mình vẫn phải nuôi con mà). Có lẽ ham muốn bao trùm của tôi luôn là được yêu thương và yêu thương. Ái tình làm cuộc sống của người ta phức tạp hơn, mệt mỏi nhưng cũng đồng thời hấp dẫn hơn. Nó kích hoạt một năng lượng sống mà bình thường ngủ quên đâu đó, mỗi khi yêu tôi luôn thấy tồn tại của mình tràn trề mạnh mẽ. Bây giờ thì tôi đã đang trở nên yên tĩnh và cân bằng hơn.

Một người phụ nữ đang hạnh phúc với hôn nhân như chị, liệu có ngại ngùng khi nói về sự phức tạp của ái tình?

- Quan hệ của tôi và người bạn đời đã lớn hơn là một mối quan hệ phải tránh cho nhau những "phát ngôn nhạy cảm". Chúng tôi đã có nhận thức và thấu hiểu nhau. Trong gia đình chúng tôi, không ai ngại ngần nói về những mối tình cũ. Tôi đang làm bạn với vợ cũ của anh ấy và cố gắng có mối giao kết chân tình với tất cả những gì quan trọng và gắn bó trong đời anh ấy.

Nhưng mối tình đương thời thì hẳn không dễ nói! Chị là người đàn bà hấp dẫn, lại dễ gặp được đàn ông hay - làm sao để chống lại nhau?

- Ha ha, cũng không dễ đến mức ấy đâu mà phải chống lại! Sự thật là hiện nay tôi không ngoại tình. Yêu với tôi là một quá trình nhận thức bản thân, là kết quả của đời sống chứ không phải mục đích. Tôi sẽ cố gắng luôn thành thực và tôn trọng, đó là tất cả những gì tôi có thể làm.

Hôn nhân của chị có từng bị chao đảo vì những "quá trình nhận thức bản thân" của chị?

- Quan hệ gia đình nào cũng có lúc chao đảo, từ các phía. Thậm chí, nếu một phía cứ nằm im, thì phía nằm im có khi chính là nguyên nhân (vì bạn nằm im quá). Với tôi, quan hệ gia đình hay tình yêu thì cũng phải có mục đích chung là nhận thức: vì sao mình chọn cuộc sống này mà không phải cuộc sống khác? Vì sao mình chấp nhận cái "giá đắt" này cho một điều tưởng như vô giá trị này? Có nhận thức rồi thì "rung chuyển" thành ra lại là cơ hội tốt mang lại tiến bộ cho bạn và bạn đời.

Cánh cửa lớn của nghệ thuật ý niệm
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từng trình diễn "Cái eo lưng" và "Những ngón chân" - những giao hưởng ngắn nằm trong chùm tác phẩm "Tự họa" của chị. Việc chị vẽ chân dung mình bằng âm nhạc đến đâu rồi, có nhiều thích thú không?

- Loay hoay về dục tính là vấn đề đầu tiên một đứa trẻ phải đối diện trên con đường thành niên. 20 tuổi tôi bắt đầu chùm tác phẩm "Tự họa", "Eo lưng" là nơi cảm nhận rõ nhất bản năng giới tính của đàn bà, thời điểm đó, tình yêu và dục tính đối với tôi là động lực sống, nó gây ra những bất an và xáo trộn lớn. Rồi tôi sang Đức, Mỹ du học, cảm quan về một thế giới rộng mở ùa vào, tôi viết "Những ngón chân" - về sự di chuyển, mỗi ngón chân biểu tượng cho một chủng tộc. Thực ra chùm giao hưởng "Tự họa" là bắt đầu của hành trình tìm kiếm cá nhân trong âm nhạc của tôi theo ngôn ngữ biểu hiện, nhưng chỉ dừng ở đó. Bây giờ tôi không quay lại chùm chân dung nữa vì ngôn ngữ nghệ thuật trực tiếp đã không còn phù hợp. Giờ tôi cần những công cụ vi diệu hơn để biểu đạt sự phức tạp và nhiều tầng của cảm quan sống.

Vở music-theatre "Con nhện giăng mùng" là Kim Ngọc độc diễn (bao gồm cả tạo hình sân khấu, diễn viên, hát voice, video, âm nhạc...), cho đến vở gần đây "Cùng nhau đơn độc"- ê kíp trình diễn (và cũng là nhân vật) lên tới 10 người. Phải chăng con đường lý giải và biểu đạt cái tôi cá nhân của chị đã thoát khỏi mặc cảm cô đơn?

- Ở "Con nhện giăng mùng" tôi mới manh nha khai thác ngôn ngữ ý niệm, chủ yếu vẫn là ngôn ngữ biểu hiện và trừu tượng. Đến "Cùng nhau đơn độc", con đường ý niệm đã rõ ràng và triệt để hơn. 10 nghệ sĩ tham gia, mỗi người tự chọn chất liệu âm nhạc và một nhạc cụ (hay dụng cụ phát âm) để vẽ chân dung nội tâm của chính mình, cùng lúc ấy tất cả những người bên cạnh cũng đang tự vẽ chân dung họ. Sau đó họ phải kết hợp lại để cùng "biến tấu" chân dung mình trong một khoảng thời gian xác định (ở đây thời gian cũng là một phần kết quả của quá trình đối thoại và sinh tồn của các cá thể trong tập hợp nghệ thuật này).

Việc đó giống như bạn vừa sống trong thế giới đơn độc của mình, vừa phải kết nối với những thế giới đơn độc khác vậy. Tôi chỉ là người đưa ra luật và giữ luật, chứ không đưa ra kết quả, không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra trong tác phẩm - bởi "xây dựng chân dung" hóa ra lại là một thế giới rất khó đoán và không thể biết trước.

Tiến trình phát triển cho đến khi tác phẩm hoàn chỉnh, tưởng như đơn giản, nhưng có rất nhiều điều không suôn sẻ xảy ra. Đó là khi mọi người phải tự thu xếp với nhau, và họ chơi tương tác thứ âm nhạc mà mình không được biết trước. Có người thấy thú vị bắt nhịp được ngay, có người sợ hãi, nghi hoặc, thắc mắc suốt. Cứ tập một thời gian, thể nào cũng có người đề nghị: phải "khung" tác phẩm lại đi! Nhưng cuối cùng tất cả chúng tôi đã vượt qua được nhu cầu "an toàn trong khuôn khổ", cái tự ngã của mỗi người được bật ra hết, cảm giác tới đích phải nói là rất sảng khoái. "Cùng nhau đơn độc" là một tổng phổ ý niệm. Những nhóm nhạc sĩ sau này chơi tác phẩm này sẽ cho ra đời các kết quả khác nhau, có thể hoàn toàn đối lập, phụ thuộc vào cá tính và bản ngã nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ tham gia.

Ở vai trò giữ luật, người đưa ra ý niệm như chị nói - có khiến việc sáng tác trở nên "tối giản"? Sau đây, hẳn Kim Ngọc sẽ tiếp tục phát triển triệt để con đường âm nhạc ý niệm?

- Nghịch lý là khi trừu tượng hơn, tác phẩm lại biểu đạt sâu sắc hơn cảm thức của tôi về đời sống. Cuộc sống rất đa tầng đa nghĩa, cách kể cụ thể không còn đạt được việc thỏa mãn sự thật nữa. Nghệ thuật ý niệm đang là cánh cửa lớn với tôi: người xem ở phông tầng văn hóa nào sẽ tiếp nhận được tầng nội dung ấy, nó đa nghĩa và đa kết nối, nhiều lớp lang mà vẫn không mất đi bản chất dù được tiếp nhận ở cấp độ nào. Nhưng không có nghĩa từ nay Kim Ngọc chỉ sáng tác theo ý niệm. Cũng có thể ngày mai tôi lại quay về ngôn ngữ cổ điển hay thậm chí Pop hoặc thử một ngôn ngữ pha trộn nào đó. Ở đây không phải là quá trình đi lên hay đi xuống, mà là việc tôi phải tìm hiểu, theo đuổi hết các ngóc ngách, khả năng và giới hạn một khi nó xuất hiện (hoặc xuất hiện lại) trên chặng đường nhận thức của mình.

Nguồn:   http://tingiaitrinongbong.blogspot.ca/2013/03/tran-kim-ngoc-nguoi-phu-nu-chi-la-giac.html


Chỉ là Giấc Mơ




Nhạc và Lời: Kim Ngọc
Trình bày: Uyên Linh

Hè sang thu tới 
Và anh chưa đến 
Khung trời trong đầy một nỗi nhớ 
Vòng tay ấm áp 
Nụ hôn thật sâu 
Mắt cười sao sáng 
Lọn tóc xoã 

Dòng sông đầy nắng 
Bờ đê đầy gió 
Anh gần mơ hồ 
Như khói thuốc 
Bờ vai êm ái 
Giọng cười thật vang 
Thì thầm anh nói 
Tựa sương khuya 



Vì anh chưa tới 
Ở đây mình em 
Tình yêu chỉ mãi là giấc mơ 
Vì người o ánh sáng 
Bờ môi biển sâu 
Ðợi em ở đâu, ở đâu 
Hà ha hà ha, hà ha hà ha 
Tình yêu chỉ mãi là giấc mơ 

Nụ cười anh sáng 
Bờ môi biển sâu 
Ðợi em ở đâu, ở đâu ?



Các Bài khác:

Âm Nhạc - Trịnh Công Sơn - Ướt Mi



ƯỚT MI
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Trình bày: Ngọc Anh

Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Ðừng khóc trong đêm mưa,
Ðừng than trong câu ca..

Buồn ơi trong đêm thâu,
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về,
Có ấm từng cơn mơ em chưạ..



Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về
Nghe não nề...
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya
Lạnh ướt mi
Ai còn buồn khi lá rớt trong một cuối đông....

Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm khuya
Buồn rơi theo đêm mưa

Còn mưa trong đêm nay
Lòng em buồn biết mấy
Trời sao chưa thôi mưa
Ôi mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ
Nước mắt buồn mi em ngây thợ..

Ướt Mi là ca khúc do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1958, được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959. Có tài liệu cho rằng đây là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn, nhưng theo lời nhạc sỹ kể lại thì trước đó ông đã sáng tác một số bài như Sương đêmChơi vơi
“Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi” (Trịnh Công Sơn, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16.).
Do đó, có thể coi đây là tác phẩm đầu tiên của Trịnh Công Sơn được công bố chính thức.
Lúc trọ học tại Sài Gòn, tình cờ, Trịnh Công Sơn được nghe tiếng hát của một ca sĩ chỉ mới 16 tuổi, người Huế: Thanh Thúy, người ca sĩ có dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài. Giọng ca trầm buồn và phong cách trình diễn của Thanh Thúy đã gây cho Trịnh Công Sơn một ấn tượng đặc biệt. Từ đó, ông ngưỡng mộ giọng hát này và theo lời ông thuật lại: "...đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng...."
Một buổi tối, Trịnh Công Sơn cùng một vài người bạn đến Mỹ Cảnh, một nhà hàng nổi tiếng của Sài Gòn, để nghe Thanh Thúy hát. Ngay trong đêm nhạc đó, Trịnh Công Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Khi hát theo đề nghị đó, do có tâm sự riêng (mất mẹ), [theo tâm sự của Ca Sĩ Thanh Thúy trên DVD ASIA 75 năm âm nhạc Việt Nam thì lúc này mẹ cô đang bệnh chứ chưa phải mất mẹ, mẹ cô mất 1 năm sau] cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc.
"Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia"
(Trịnh Công Sơn, Sđd, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16)
Sau đó, Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc Ướt mi. Theo lời thuật của nhạc sĩ: "...“Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được... Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát...."
Tiền bản quyền của ca khúc Ướt mi mà Nhà xuất bản An Phú đã trả cho nhạc sĩ là 5.000 đồng (Theo thời giá năm 1956, một lượng vàng có giá khoảng hơn 1.000 đồng)
Một năm sau, năm 1959, một lần nữa, Trịnh Công Sơn viết một bài khác, cũng để tặng người đã hát bài hát đầu tiên của mình. Bóng dáng người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau xuất hát hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ. Đó là ca khúc Thương một người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn.

Nguồn:   http://vi.wikipedia.org/wiki/%C6%AF%E1%BB%9Bt_mi


Các Bài hát khác:

Calendar

August 2013 - Toronto
Contact Us: vietcanada@outlook.com