11.9.13

Dinh Dưỡng Và Sức Khỏe - Lợi ích của Đi bộ

Nguồn: Bác sĩ Thu Lan

Trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng bận rộn, ít vận động, việc dành thời gian để tập luyện một môn thể thao nào đó để rèn luyện sức khỏe đôi khi rất khó thực hiện. Nhưng không phải ai cũng biết đi bộ là hằng ngày là hình thức tập luyện đơn giản nhất nhưng cũng mang lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe mỗi người.



Đi bộ đem lại lợi ích gì?
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đi bộ có những lợi ích sau:
-  Giúp kiểm soátt trọng lượng cơ thể, giảm khối lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, giúp có một thân hình cân đối, khỏe mạnh. Trung bình khi đi bộ 1,6km, cơ thể sẽ đốt cháy khoảng 100 calo. Đi bộ 3,6km/ngày và 3 lần/tuần có thể giúp giảm 0,5kg trong 3 tuần luyện tập đều đặn.
- Bảo vệ xương, làm cho xương chắc khỏe, giúp ngăn chặn loãng xương nhờ vận động nhẹ nhàng đều đặn, hệ xương được nuôi dưỡng tốt, khả năng hấp thụ canxi và phospho được tăng cường, đẩy lùi quá trình loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi và phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
- Tăng sự hưng phấn, chống trầm cảm lo âu, giúp có giấc ngủ tốt, tránh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi: Đi bộ vào buổi tối có thể đem lại cho bạn một giấc ngủ ngon, ngủ sâu do đi bộ vào thời gian này làm sản sinh chất nội tiết tố serotonin, gây ra cảm giác dễ chịu như được thư giãn sau một ngày lao động; khi đi bộ thân nhiệt tăng lên, lúc nghỉ ngơi thân nhiệt giảm xuống, làm cho dễ ngủ và ngủ ngon. Đi bộ trên 30 phút/ngày làm giảm quá trình mất trí nhớ ở người cao tuổi, vừa đi vừa nói chuyện với bạn bè làm cho não được tưới máu nhiều hơn, não hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn.
- Đi bộ có tác dụng rất tốt cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, do đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như: bệnh mạch vành, đột quỵ, tăng huyết áp,… Ngoài ra còn làm giảm cholesterol ở những người có nồng độ cholesterol cao trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, nguy cơ mắc ung thư đại tràng,…
Đi bộ như thế nào?
Trước khi đi bộ nên chú ý chuẩn bị quần áo, dày dép phù hợp: Quần áo tùy theo điều kiện thời tiết, rộng rãi, thoáng mát bằng các loại vải thấm mồ hôi như cốt tông (vào mùa hè), đủ ấm (vào mùa đông); Mang giày vừa vặn, thích hợp. Trước khi bắt đầu luyện tập, nên giành 5-10 phút tập những động tác khởi động để làm “ấm cơ thể”, tránh căng cơ, mau mệt mỏi trong quá trình luyện tập.

Khi đi bộ đầu luôn giữ thẳng và hướng về trước, thẳng lưng. vai và cánh tay nên để thoải mái, khi đi nên đánh tay một cách tự nhiên. Lúc bắt đầu nên đi chậm, sau đó tăng nhanh hơn một chút. Đi với tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất là được. Thời gian mỗi buổi tập tùy theo từng người, đối với người mới bắt đầu nên tập ít, sau đó tăng dần. Điều quan trọng là cần phải luyện tập thật đều đặn và thường xuyên.
Lưu ý: Đối với người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh tim mạch, tăng huyết áp,... nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ trước khi luyện tập.  

Vai trò của giấc ngủ với sức khỏe

Ngủ, ăn uống, vận động... là những nhu cầu thiết yếu không thể thiếu được đối với con người. Thiếu ngủ, con người sẽ suy kiệt sức lực, hao mòn thân thể, chóng già, sinh bệnh tật, làm cho làn da chóng nhăn, khô và sạm... Từ xưa đến nay, các chuyên gia sức khỏe bao giờ cũng khuyên con người phải ăn, ngủ và làm việc điều độ, hợp lý. 

 Vai trò của giấc ngủ với sức khỏe

Một số công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, khi con người ngủ, huyết quản dưới da nở ra, vì thế có tác dụng bổ sung dinh dưỡng và ôxy cho làn da, đồng thời loại bỏ bài tiết các chất có hại trong cơ thể. 
Khi ngủ, các hormon sinh trưởng trong người được tiết ra nhiều hơn nên có tác dụng thúc đẩy sự sinh trưởng, tái tạo làn da, giữ cho da được mịn màng. Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ tăng hàm lượng chất kích thích cortisol trong máu, hormon này đã làm tăng hoạt tính của một enzime để tích mỡ. Vì vậy, trong một số trường hợp, thiếu ngủ cũng sẽ làm cơ thể tăng cân. 

Thiếu ngủ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ em chậm phát triển, thiếu minh mẫm và khả năng tiếp thu kém. 

Giấc ngủ ngon sẽ làm tiêu hao sự mệt mỏi, khôi phục lại sức lực đã tiêu hao, giữ cho thần kinh được cân bằng, bảo vệ đại não, vì thế giữ cho con người tính tình ôn hòa, cởi mở, có tác dụng khôi phục và tăng cường trí nhớ, vì thế nâng cao hiệu suất công việc. 

Đặc biệt, những người thường xuyên phải lao động trí óc căng thẳng cần được ngủ đủ giấc. Nếu thiếu ngủ kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn thần kinh, dễ cau có, nổi nóng, suy nhược hệ tuần hoàn não và có thể sinh ra nhiều chứng bệnh khác. Thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến nồng độ các hormon tuyết giáp trong máu, có thể dẫn đến nguy cơ cao huyết áp. 

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản đã chứng minh, khi chúng ta ngủ, cơ thể tiết ra những hormon cần thiết có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, từ đó có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn, virut gây bệnh. Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng góp phần làm chậm sự già yếu và kéo dài tuổi thọ, xuân sắc cho con người. 

Thông thường, chất lượng của giấc ngủ được thể hiện rõ nhất sau khi bạn tỉnh giấc. Nếu sau khi thức giấc, bạn cảm thấy tinh thần thoải mái, dễ chịu, đầu óc tỉnh táo, minh mẫn và làm việc có hiệu quả thì bạn đã có một giấc ngủ ngon lành. 

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với làn da, sắc đẹp và vóc dáng con người, bất kể mỹ phẩm hay cách ăn uống nào cũng không so được với tác dụng bảo vệ sắc đẹp, bằng giấc ngủ. Người thiếu ngủ, thường xuyên mất ngủ, màu sắc xung quanh da mắt sẽ khác thường, nhất là xuất hiện quầng mắt đen, một trong những khiếm khuyết của sắc đẹp. Thiếu ngủ còn làm cho tròng trắng bị đục. 

Giấc ngủ và làn da: khi ngủ ngon, làn da có thể tiến hành chuyển hóa các chất, xảy ra vào thời điểm 1 – 2 giờ sáng.Trẻ gái tuổi dậy thì, mỗi ngày cần ngủ đủ 8 giờ, phụ nữ trung niên mỗi ngày cần ngủ 7 giờ, thường xuyên thức khuya tổn hại rất lớn cho sắc mặt, dẫn đến làn da thiếu sáng sủa. Nếu mỗi tối cần làm việc đến khuya mới được đi ngủ, nên ngủ trưa 1 – 2 giờ để đảm bảo tinh lực dồi dào. 

Ngủ và vóc dáng: thời gian ngủ quá dài sẽ làm cho cơ thể phát phì, ngược lại, thời gian ngủ quá ít sẽ làm cho người ta gầy đi, với thời gian ngủ như nhau, nhưng hiệu quả của việc “ngủ ngày” và “ngủ đêm” lại khác nhau. 

Thời gian ngủ quá dài có thể làm cho cả hệ thần kinh trung ương trong trạng thái ức chế lâu, dẫn đến các cơ quan suy giảm chức năng, làm tăng cân nặng. Ở một số trường hợp thiếu ngủ cũng có thể bộc phát béo phì. Một nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ) đã khảo sát 30 nam, nữ thanh niên khỏe mạnh, trong đó một nhóm người mỗi tối ngủ dưới 6 giờ, xem là nhóm thiếu ngủ; số còn lại ngủ 7 – 8 giờ, xem là nhóm bình thường. Sau khảo sát có kết luận: nhóm thiếu ngủ insulin trong cơ thể không thể chuyển hóa đường glucose một cách bình thường, vì thế có khả năng gây béo phì. Nhóm bình thường, tính nhạy cảm với insulin vẫn bình thường. 

Thời gian ngủ: Trước mắt vẫn chưa biết rằng người thiếu ngủ sau khi cải thiện giấc ngủ có cải thiện được tính nhạy cảm với insulin hay không. Những người mỗi ngày ngủ hơn 8 giờ và ngủ dưới 4 giờ đều có thể tăng cân, vì vậy ngủ với mức vừa phải thì mới giúp ích cho sức khỏe. Người lớn mỗi ngày cần ngủ từ 7-8 tiếng, nhưng trẻ em cần phải ngủ nhiều hơn (tùy theo từng độ tuổi mà trẻ em mỗi ngày có thể ngủ từ 9-10 tiếng, hoặc nhiều hơn). 

Tuy nhiên, bạn cần chú ý đến chất lượng của giấc ngủ. Các yếu tố như tiếng ồn, không khí, ánh sáng, lối sống, chế độ ăn uống... đều ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vì thế, muốn có một giấc ngủ ngon và sâu mọi người phải chú ý đến những yếu tố này.

Nguồn-http://afamily.vn/suc-khoe/vai-tro-cua-giac-ngu-voi-suc-khoe-20090309105245489.chn
VietCanada-Free Niên Giám Online