12.8.13

Mốt thời trang dưa hấu ở Trung Quốc

 Các bậc cha mẹ tại Trung Quốc đã sáng tạo ra một cách thức khác thường nhằm giúp con cái họ luôn mát mẻ trong thời tiết nóng bức của mùa hè: cho chúng mặc quần áo được làm bằng vỏ dưa hấu.
Các bức ảnh chụp một em bé mặc bộ đồ dưa hấu được đăng tải trên các mạng xã hội ở Trung Quốc.
Các bức ảnh chụp một em bé mặc bộ đồ dưa hấu được đăng tải trên các mạng xã hội ở Trung Quốc.

Các bức ảnh chụp trẻ em mặc đồ đưa hấu theo các phong cách khác nhau đã gây sốt trên các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo và thậm chí còn được truyền hình đưa tin.
Theo hãng tin Xinhua, "mốt" mặc đồ dưa hấu bắt đầu hồi tháng 7 tại thành phố Ôn Châu khi các bức ảnh chụp một em bé mặc bộ đồ dưa hầu xuất hiện trên mạng. Ngay ngay đó, các bậc phụ huynh khác đã học theo và thiết kế các bộ đồ dưa hấu cho con cái họ với các phong cách khác nhau.
Kể từ đó, ảnh các em bé quần áo dưa hấu, thậm chí áo giáp dưa hấu và bikini dưa hấu, đã tràn ngập trên mạng.
Các cư dân mạng xã hội còn cho rằng bộ đồ dưa hấu có thể được dùng để ăn nếu đi ra ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên mặc đồ dưa hấu trong thời gian dài. Một bác sĩ da liễu nói với tờ Nhân dân Nhật báo rằng mặc dù ít người bị dị ứng với dưa hấu nhưng làn da nhạy cảm của bé vẫn có thể bị tấy lên.
Vỏ dưa hấu cũng có thể là môi trường thích hợp để vi rút sinh sôi và gây nhiễm trùng.

Nguồn:  
http://dantri.com.vn/chuyen-la/mot-thoi-trang-dua-hau-o-trung-quoc-765685.htm

Phạm Duy - Thiên Tài Âm Nhạc




Nhạc Sĩ Phạm Duy
Theo   http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Duy

Phạm Duy Cẩn sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 (5 tháng 9 năm Tân Dậu) tại số 40 Rue Takou (nay là Phố Hàng Cót), Hà Nội, trong một gia đình văn nghiệp. Cha ông là Phạm Duy Tốn thường được coi như là nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới đầu thế kỷ 20. Anh của ông là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine.
Lúc nhỏ, ông là cậu bé hiếu động, tính tình "văng mạng, bất cần đời", tuy vậy lại thích diễn kịch, làm trò, và mê nhạc. Ông biết dùng Guitar, Mandolin để chơi nhạc Tây Âu, bên cạnh đó còn tiếp thu các nhạc điệu dân ca miền Bắc, hay những bài ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Tứ Đại Cảnh… Ngoài nền văn hóa mang tính nhân bản của Pháp, ông còn được tiếp xúc với văn hóa cổ truyền, qua các tác phẩm của cha Phạm Duy Tốn, hay cuốn "Tục ngữ phong dao" của người anh họ Nguyễn Văn Ngọc.
Về học hành chính quy, Phạm Duy chỉ có bốn năm tiểu học và một năm trung học, nhưng những bài học trong các sách Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, đã in đậm trong tâm hồn ông trước khi bước vào xã hội, hình thành cho ông một quan niệm về "đức độ của con người Việt Nam" mà ông nhấn mạnh là "con người ở nông thôn", chứ không phải ở thành thị. Ông học vỡ lòng tại trường Hàng Thùng, học Tiểu học tại trường Hàng Vôi. Tính ông nghịch ngợm, học không giỏi, thường hay bị phạt. Đến năm 13 tuổi (1934), vào được lớp nhất, ông mới học giỏi dần, trở thành một trong những học sinh ưu tú của lớp, nhất là môn đọc thơ tiếng Pháp.
Năm 1936, ông vào học trường Thăng Long, một trường trọng điểm của thời kỳ kháng chiến. Thầy dạy ông có các nhân vật nổi tiếng như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến. Trong đám bạn cùng lớp có người sau này trở thành nhà thơ như Quang Dũng. Một năm học trung học giúp ông hấp thụ thêm những cái hay cái đẹp của nền văn chương Pháp, của Victor Hugo, André Chenier, Alfred de Vigny, Bernadin de Saint Pierrre...
Năm 1940, nghe lời bè bạn, ông theo học dự thính hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học thầy Tô Ngọc Vân, cùng lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng... Tuy nhiên ông sớm nhận ra mình không có năng khiếu cũng như đam mê hội họa. Thời kỳ này ông ca hát nhiều hơn vẽ tranh. Thời kỳ này, ông tự mày mò học nhạc cổ điển, rồi tập tành sáng tác. Trong cuộc đời của mình, ông chưa từng học chính quy một trường lớp âm nhạc nào.
Năm 1942, ông khởi nghiệp sáng tác nhạc với tác phẩm hoàn chỉnh đầu tay là "Cô hái mơ", phổ từ thơ Nguyễn Bính, trong thời kỳ phong trào Tân nhạc bắt đầu nở rộ.
Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều. Thời kỳ hát rong, Phạm Duy được gặp gỡ nhiều tên tuổi lớn như thi sĩLưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết trong đời sống lẫn trong âm nhạc. Thời kỳ này, ông cùng Văn Cao ngoài việc la cà các chốn ăn chơi, thì cũng giúp đỡ cho nhau rất nhiều trong việc tự học nhạc.
Sau đó ông khởi sự con đường âm nhạc của mình với việc trở thành ca sĩ trong gánh hát Cải lương Đức Huy, đi diễn lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam trong những năm 1943-1945.
Năm 1945, xảy ra nạn đói, Phạm Duy rời nhà cũ đi lang thang nhiều nơi, sau đó ông theo kháng chiến, trở thành cán bộ văn nghệ của Việt Minh và là một trong những nhạc sĩ thành công nhất lúc đó.
Năm 1949 ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng tại chiến khu Việt Bắc.
Năm 1951, do không phục Việt Minh, ông bỏ về Hà Nội. Sau khi sinh con đầu lòng Duy Quang, ông đưa gia đình di cư vào Nam, sinh sống tại Sài Gòn. Năm 1953, ông qua Pháp học dự thính hai năm về âm nhạc, tại đây ông quen với Trần Văn Khê, người sau này trở thành giáo sư. Hai năm sau, ông về Việt Nam thì đất nước đã chia cắt sau hiệp định Genève. Từ đó ông ở miền Nam tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong ban hợp ca Thăng Long cùng với Thái Thanh, Hoài Nam, Hoài Bắc, Hoài Trung tại phòng trà Đêm màu hồng. Thời gian này ông cũng có những hoạt động trong ngành sân khấu và thông tin đại chúng, như viết nhạc kịch, viết nhạc cho phim và cộng tác với đài Phát thanh.
Năm 1956, xảy ra vụ ngoại tình giữa ông và người vợ của em vợ, vụ việc trở thành một đề tài gây xôn xao trên các báo chí Sài Gòn và cả Hà Nội. Đây là một "mối tình cấm", "cả gan" luôn làm ông "buồn rầu khi phải nhắc lại" vì đã làm buồn lòng người vợ, người em vợ, và vì biết rằng những đổ vỡ kia không thể hàn gắn được". Sau vụ tai tiếng trên, ông không còn hợp tác với ban hợp ca Thăng Long nữa. Trong lúc tinh thần suy sụp, ông đi vào một mối tình đặc biệt với Alice, con gái của Helen - tình nhân cũ của ông. Đây là mối tình "giữa hai tâm hồn", "không đụng chạm thể xác", được xây dựng trong 10 năm và chính là nguồn cảm hứng lớn để ông viết nên nhiều tác phẩm nhạc tình giá trị, như Chỉ chừng đó thôi, Thương tình ca...
Gia đình ông chuyển đến căn nhà nhỏ ở cư xá Chu Mạnh Trinh ở ngã tư Phú Nhuận, nơi có nhiều gia đình nghệ sĩ tới ở, như gia đình Nguyễn Mạnh Côn, Năm Châu, Duyên Anh, Hồ Anh, Anh Ngọc, Trần Ngọc, Hoàng Nguyên, Minh Trang, Kim Tước. Không còn hợp tác với ban Thăng Long, Phạm Duy vào làm việc ở Trung tâm Điện ảnh. Thời gian này ông hay lui tới quán Chùa (La Pagode), gặp gỡ Vũ Khắc Khoan, Cung Trầm Tưởng, Võ Đức Diên, Mặc Thu, Tạ Tỵ, Lê Ngộ Châu... Ông được Võ Đức Diên và các bạn bè giúp đỡ đi một chuyến từ Sài Gòn ra vĩ tuyến 17 để hoàn thành nốt trường ca Con đường Cái Quan.
Thập niên 1960, sau khi Việt Nam Cộng Hoà được nhiều quốc gia thân Mỹ công nhận, cùng với các bạn nghệ sĩ khác, Phạm Duy được cử đi Philippins, Nhật Bản, Thái Lan để giới thiệu văn nghệ Việt Nam. Và với ít nhiều kinh nghiệm bang giao, ông thường có mặt trong những buổi đón tiếp các phái đoàn văn nghệ nước ngoài, như đoàn vũ trống của Hàn Quốc, đoàn Moral Rearmement của Mỹ... Nhờ đó ông có dịp trao đổi tài liệu âm nhạc với các văn nghệ sĩ nước ngoài.
Năm 1965, ông tham gia phong trào Du ca với Nguyễn Đức Quang, Giang Châu, Ngô Mạnh Thu... đi nhiều nơi tại miền Nam Việt Nam để phổ biến các ca khúc nói lên thân phận của tuổi trẻ thời đó.
Năm 1966, ông được văn phòng Giáo dục Văn hóa của Bộ ngoại giao Mỹ mời sang nước này, tại đây ông được mời tham quan các đài truyền hình, nhạc hội, đến ở trong gia đình nghệ sĩ The Beers Family, Petersburg. Ông được đài Channel 13 với Steve Addiss và Bill Crofut, mời tham gia chương trình dân ca của Pete Seeger, nhạc sĩ phản chiến số một của Hoa Kỳ. Bốn năm sau ông lại qua Hoa Kỳ lần nữa để làm cố vấn cho Bộ thông tin giúp xoa dịu dư luận Mỹ sau vụ Thảm sát Mỹ Lai và vụ Nguyễn Ngọc Loan.
Cuối thập niên 1960, ban nhạc gia đình "The Dreamers" của các con ông ra đời, ông cùng ban này đi biểu diễn tại các phòng trà, nhà hàng Sài Gòn. Đây cũng là thời gian băng Cassette thịnh hành, giúp ông có được nhiều khoản thu nhập từ tiền tác quyền, trở nên giàu có.
Từ 1970 tới 1975, với nhiều diễn biến lớn diễn ra tại Việt Nam, đời sống cũng như công việc của ông cũng có nhiều bất ổn. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, trước việc quân Việt Nam dân chủ cộng hòa vào miền Nam, Phạm Duy quyết định đưa gia đình di tản ra nước ngoài. Ngày 28 tháng 4, ông và vợ, hai con gái được máy bay của Mỹ đem đi.
Trải qua nhiều khó khăn của hành trình di tản, ông và gia đình cũng ổn định, cư ngụ tại Thành phố Midway, Quận Cam, California. Thời kỳ này ông vẫn tiếp tục sáng tác, biểu diễn và tổ chức cũng như tham gia các đêm nhạc về mình.
Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký, khi hoàn tất chia làm 4 cuốn.
Năm 1999, vợ ông là bà Thái Hằng qua đời, sự kiện này khiến ông bị cao huyết áp phải đi nằm bệnh viện một thời gian dài. Sau năm này, ông quyết định thực hiện những chuyến về thăm quê hương sau 25 năm xa cách.
Tháng 5 năm 2005, ông chính thức trở về Việt Nam, mua nhà sống tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các con trai Duy Quang, Duy Cường. Tháng 7 cùng năm, lần đầu tiên kể từ năm 1975, 9 bài hát của ông được cấp phép phổ biến. Thời kỳ này ông vẫn hoạt động âm nhạc, tuy sức khỏe đã có dấu hiệu giảm sút, nhiều bệnh được phát hiện ra.Ngày 27 tháng 1 năm 2013, sau một thời gian nằm viện, ông qua đời, một tháng sau cái chết của con cả ông là ca sĩ Duy Quang. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà riêng và đã được đem chôn tại Công viên Nghĩa trang Bình Dương vào ngày 3 tháng 2 năm 2013.


Trường Ca Con Đường Cái Quan



Con đường cái quan là một bản trường ca nổi tiếng, do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác từ năm 1954 đến 1960. Tại Việt Nam, từ sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, cũng như những ca khúc khác của Phạm Duy, trường ca này bị cấm lưu hành trong nước Việt Nam và đến tháng 5 năm 2006, có tin cho rằng trường ca đã được phép cho phổ biến trở lại.

Theo nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, Trường ca này được soạn xong phần đầu ở Paris năm 54, ngay sau Hiệp định Genève, 1954 "để phản đối ngay lập tức sự chia cắt đất nước", nhưng rồi bỏ dở. Chỉ khi tác giả về lại Sài Gòn, nhờ kiến trúc sư Võ Đức Diên (cũng là chủ tờ báo Sáng Dội Miền Nam lúc đó) giúp đỡ phương tiện để nhạc sĩ đi từ Sài Gòn đến Quảng Trị và lấy cảm hứng để hoàn thành. Khi hoàn tất, Trường ca cũng được in ra đầu tiên trên báo Sáng Dội Miền Nam với bản viết tay của tác giả.



Trường ca này rất dài, chia ra làm 19 bài hát nhỏ có thể hát như 19 bài riêng biệt. Nội dung của 19 đoạn nói về 1 cuộc du hành của người lữ khách:
“Trường ca đưa ra một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đi từ ngày lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước...

Trường ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN gồm có ba phần :
Phần Thứ Nhất : Từ Miền Bắc, mang tính chất hào hùng của miền quê cha đất tổ.
Phần Thứ Hai : Qua Miền Trung, với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa.
Phần Thứ Ba : Vào Miền Nam, tỏ sự vui mừng của con người đã cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt...”
Nội dung bản trường ca gồm 3 phần chính, gồm 19 đoản khúc :
Từ miền Bắc: Anh đi trên đường cái quan - Tôi đi từ ải Nam Quan - Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa - Người về miền xuôi - Này người ơi - Tôi đi từ lúc trăng tơ
Qua miền Trung: Ai đi trong gió trong sương - Ai vô xứ Huế thì vô - Ai đi trên dặm đường trường - Nước non ngàn dặm ra đi - Gió đưa cành trúc la đà - Tôi xa quê nghèo ruộng nghèo
Vào miền Nam: Anh đi đường vắng đường xa - Nhờ gió đưa về - Đi đâu cho thiếp theo cùng - Đèn cao Châu Đốc gió độc Gò Công - Cửu Long Giang/Về miền Nam - Giã ơn cái cối cái chầy/Về miền Nam - Đường đi đã tới
Con Đường Cái Quan gồm 19 đoản khúc, nghĩa là tôi đã phải viết ra hằng trăm motif với từng nấy melody… Muốn biết tính chất của từng giai điệu, hãy xem Phần Từ Miền Bắc với đoạn Tôi Đi Từ Ải Nam Quan để thấy motif mi la do có imitation la re fa (có hơi hướng của những điệu ca cổ truyền miền Bắc).
… và xin chú ý tới tiết tấu : là nhịp hành khúc nhưng không giống như hành điệu của Xuất Quân, Khởi Hành v.v… Chú ý tới chords và giọng phụ : rất Á Đông nhưng cũng rất Âu Phương…
Phần Hai Qua Miền Trung phải là những motif, melody dựa vào cái khuông re sol la re với hơi hướng hò và ca Huế… Nhất là với bài Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi.
Phần Ba Vào Miền Nam có những motif, melody có hơi hướng hò, ru và Vọng Cổ… Bài Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng dùng âm giai có bán cung la do# re mi fa#:



Về tinh thần của trường ca, những ca khúc mạnh mẽ trong phần MIỀN BẮC diễn tả sự hào hùng của người đi khai sơn phá thạch. Trong phần MIỀN TRUNG, ca khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa. Phần MIỀN NAM rất hoan lạc vì đó là những bước chân thành đạt của lữ khách để cùng toàn dân hoàn thành nước Việt.
Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong âm giai ngũ cung và có thêm nhạc thuật chuyển hệ. Nhưng tôi cũng không ngần ngại pha trộn vào trường ca một số bài nằm trong âm giai thất cung Tây Phương....
...Tôi còn mơ một hoài bão vượt dân ca, cho nên ngoài những đoản khúc có tính chất thuần túy tôi còn mạnh bạo đưa ra những đoạn (mà tôi cho rằng) tân tiến nghĩa là đang mới mẻ nhưng vẫn phù hợp với sự tiến triển tất nhiên của ngành Quốc nhạc.

Bản trường ca được trình tấu lần đầu tiên từ năm 1960 tại Sài Gòn, và sau đó nhiều lần qua đài phát thanh hay bởi các danh ca thời ấy, lớn nhất là với đoàn hợp xướng hơn 100 người năm 1960. Toàn bộ bản trường ca được thâu âm lần đầu tiên năm 1965 bởi Ban Hoa Xuân của Đài Phát thanh Sài Gòn (với Thái Thanh, Duy Khánh và Kim Tước, Thái Hằng, Nhật Trường, Trần Ngọc... và nhiều người khác) và ban nhạc Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Đan Thọ, phát hành theo dạng cassette. Năm 1993, Phạm Duy Cường bổ túc phần hòa âm phối khí và tái bản theo dạng CD. Trước đó, năm 1991, Phạm Duy Cường có phát hành 1 CD hòa tấu trường ca này. Ban Hợp xướng Ngàn Khơi đã trình tấu và phát hành CD nhiều trích đoạn từ trường ca này trong 2 CD Đêm ngàn khơi 4: 10 năm lưu niệm và Đêm Ngàn Khơi : Con Đường Cái Quan & Tình Hoài Hương (1994), hợp soạn bởi nhạc trưởng Lê Văn Khoa và Trần Chúc.
Năm 2008, Trung tâm Thúy Nga có cho hát lại trích đoạn trường ca này trong chương trình Paris By Night 91. Phần trình tấu được dàn dựng quy mô với các ca sĩ chủ lực của Trung tâm.


Trường Ca Mẹ Việt Nam



Mẹ Việt Nam là tên một bản trường ca của Phạm Duy, khởi soạn tháng 11, năm 1963 và hoàn tất vào tháng 5 năm 1964. Đây là trường ca thứ 2 của Phạm Duy sau Con đường cái quan và cùng với Con đường cái quan là 2 trường ca nổi tiếng nhất của ông.
Tại Việt Nam, từ sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, cũng như những ca khúc khác của Phạm Duy, Trường ca này bị cấm lưu hành và đến nay vẫn chưa được phép trình diễn, tuy một số ca khúc khác của Phạm Duy đã được cấp phép.


Bài trường ca mang hình ảnh mẹ Việt Nam, một khái niệm trừu tượng trong dân gian qua đó đã đồng hóa thành lịch sử Việt Nam và gửi gắm thông điệp tình thương dân tộc. Theo lời tác giả mô tả, đây là
...là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại
Trường ca gồm 4 phần: Đất mẹ, Núi mẹ, Sông mẹ và Biển mẹ, mỗi phần có nhiều bài, tổng cộng là 21 bài hát, những bài này cũng thường được các ca sĩ hát như bài độc lập.
Đất Mẹ: 
Lúc trẻ tuổi, mẹ Việt Nam được biểu tượng bằng đất mầu tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước...      -Phạm Duy- 
 Phần Đất mẹ gồm 3 đoạn, chia làm 5 bài:
  • Đoạn 1 gồm 2 bài: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp
  • Đoạn 2 gồm 2 bài: Mẹ chờ mong, Lúa mẹ
  • Đoạn 3: Mẹ đón cha về
Trong đó, đoạn 1 tả hình dáng và đặc điểm của mẹ, đoạn này ca ngợi sự giản dị của người mẹ Việt Nam tuy xinh đẹp (má tươi hồng, bàn tay trắng, nhỏ người vai lẳn, vú căng tròn, tròn lưng ong, tóc mây ngàn...) nhưng vẫn phục sức mộc mạc:
Mẹ Việt Nam, không son không phấn
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng.
Bốn câu này được Xuân Vũ, trong cuốn Nửa thế kỷ Phạm Duy nhận xét: "Tôi xin chịu. Không có ai mô tả Mẹ Việt Nam nổi đến thế. Mà chỉ trong có 16 chữ! Như thế là quá tài tình vì tả thể chất mà người đọc nhận thấy cả tâm hồn. Tấm áo nâu, rướn mình đi từ núi rừng cao ở bản Tình Ca càng nổi bật ở đây, vì là tấm nâu sồng của Mẹ Việt Nam là tấm áo nâu mang hồn sông núi. Những ý tưởng cao đẹp tuôn trào ra ngón đàn."
Trong đoạn 2, hình ảnh Mẹ mong chồng đã được nhắc tới. Mẹ được mô tả bằng những hình ảnh quen thuộc của đất nước Việt Nam như: ruộng, lưỡi cầy, đất... Mẹ mang hình ảnh của Nữ Oa,tiểu Kính Tâm, Châu Long, là những tiêu biểu về đức tính tốt đẹp được truyền tụng trong dân gian[3]. Đoạn 3 tả niềm vui của mẹ khi đón cha về, đồng thời ca ngợi sự tảo tần, chịu thương chịu khó, từ bi, của người mẹ (Năm tháng lo gạo gánh nuôi chồng), và làm nổi bật công lao của mẹ trong những cuộc kháng chiến của dân tộc:
Việt Nam có anh hùng, mắt nhung và môi son
Giữa mùa Xuân giết giặc
Yêu nước non, hé môi cười
Nụ cười thanh bình
Mẹ Việt Nam.

Núi Mẹ

Khi đứng tuổi, mẹ hiện thân là núi non sắt đá, trong sự hi sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh.
-Phạm Duy-
Phần Núi mẹ gồm 3 đoạn, chia ra làm 5 bài:
  • Đoạn 1 gồm 2 bài: Mẹ hỏi, Mẹ bỏ cuộc chơi
  • Đoạn 2: Mẹ trong lòng người đi
  • Đoạn 3 gồm 2 bài: Mẹ trả lời, Mẹ hóa đá
Phần này lấy hình ảnh của núi để nói về sự chờ đợi của Mẹ, chờ đợi chồng về, chờ đợi 1 cái gì đó tốt đẹp sẽ quay trở lại sau cơn binh lửa dằng dai. Mấy câu lục bát biến thể mở đầu khắc hoạ nỗi đau của mẹ khi chiến cuộc xảy ra, chồng phải đi lính:
Lính vua ! Lính chúa ! Lính làng !
Trời ơi ! Giết bao nhiêu giặc
Cho chàng, chàng phải đi ?
Núi mẹ mang nhiều hình ảnh nói lên cảm xúc và tâm trạng người chinh phụ, lấy 4 mùa của năm ra để lột tả dòng tâm trạng biến đổi của mẹ:
Mùa xuân và mùa hạ (trong bài 1):
Gió mùa Xuân, Mẹ bâng khuâng hỏi :
Hoa trên đồi, hoa trên đồi sớm tối còn tươi
Giữa ngày xuân mới, giữa hội mùa vui
Sao vắng tiếng cười ?
Sao vắng bóng người ?
Gió hè qua, Mẹ ra con hỏi
Khi trên đồi, khi trên đồi nắng quái chiều hôm
Mùa thu và mùa đông (trong bài 3):
Gió mùa Thu, Mẹ ru con ngủ
Con vẫn chờ bóng cũ người xưa
Bốn nghìn năm qua, bóng về rồi đi
Bóng ngã chiến trường làm phân bón cánh đồng
Gió mùa Ðông, Mẹ không thấy mỏi
Ðứng trông về, đứng trông về bốn cõi trời xa
Bốn đoạn này được viết trên nền làn điệu Ru con phổ biến ở Việt Nam. Trong đoạn mùa Thu có hình ảnh đứa con và chiếc bóng đi về, gợi nên câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Riêng đoạn 2 nói lên tấm lòng người ra đi, những lời dặn dò, nguyện ước của họ với người ở lại và những khó khăn người đó gặp phải trên con đường cứu quốc, cứu quốc ở đây cũng là cứu đất Mẹ, cứu mẹ Việt Nam. Trong bài mang nhiều tên núi nổi tiếng của tổ quốc Việt Nam như Thất Sơn, núi Lam...
Câu cuối cùng của phân khúc này, qua bao sóng gió và hy sinh gian khổ, mẹ lại trở lại là người mẹ bình dị, lo lắng trước hết cho gia đình, mặc cho chàng mang những hoài bão lớn lao, mẹ chỉ mong chàng giữ thân để nàng lấy đó làm gương dạy con, như ước mơ bình dị của những phụ nữ :
Giữ dân ! Giữ nước ! Giữ làng !
Chàng ơi, giữ thân cho Mẹ !
Cho nàng dạy con.

    Sông Mẹ

 ...Mẹ còn âm thầm xót thương lũ con sông ngòi, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội mẹ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng mẹ...
-Phạm Duy-
Phần Sông mẹ gồm 4 đoạn, chia ra làm 5 bài:
  • Đoạn 1 gồm 2 bài: Muốn về quê mẹ, Sông còn mải mê
  • Đoạn 2: Sông vùi chôn mẹ
  • Đoạn 3: Sông không đường về
  • Đoạn 4: Những dòng sông chia rẽ
Mở đầu của phần này là câu ca dao được ngắt ra, ẩn dụ sự chia cắt trên dòng sông đất nước:
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê Mẹ
Muốn về quê Mẹ
Mà không có đò !
Sau đó là những ngổn ngang, bất ổn trên những dòng sông đất nước, mà chúng ẩn dụ cho những đứa con của mẹ Việt Nam, cũng như tình hình đất nước vào thời kỳ đó:
Sông Hồng cuộn sóng lôi cuốn Sông Lô
Sông Ðà, Sông Ðuống trôi xuống Sông Cầu
Nghe Bạch Ðằng Giang chôn bao nhiêu xác quân Tầu
Sông nào cũng muốn đến trước tranh lấy công đầu
Vì còn mải mê giành giật như vậy nên sông không cùng nhau chảy về quê Mẹ được. Phần bài hát này mang tính thời cuộc cao.
Xuân Vũ khi viết về phần này cũng nói: "Trong phần III của Trường Ca, phần Sông mẹ, Phạm Duy đã nói lên được nỗi bi đát, niềm đau thương của dân tộc ta sau những lúc vinh quang. Có những con sông lịch sử với chiến công oanh liệt như Bạch Ðằng Giang thì cũng có những con sông ô nhục như sông Gianh, Bến Hải. Và có những con sông nhuộm màu chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, tranh giành lẫn nhau[3]"
Sự tranh giành giữa các dòng sông dẫn đến vùi chôn hình ảnh Mẹ trong đoạn thứ 2. Trong bài này còn có đoạn mẹ ôm sóng vớt củi sông dài, và chìm nghỉm, gợi đến câu chuyện Anh phải sốngcủa Khái Hưng.
Mẹ đã bị chôn vùi, thế nhưng những dòng sông vẫn còn tiếp tục tranh giành, vì không còn đường về, sự việc cứ diễn ra như những đợt sóng cuồng điên, mù mịt (Đoạn 3). Dần dần, dẫn đến những dòng sông chia rẽ (Đoạn 4):
Nước đi là nước không về
Chia đôi dòng nước chia lìa dòng sông
Những dòng sông chia rẽ ở đây ám chỉ sự chia cắt ở đất nước Việt Nam vào thời điểm bài hát được sáng tác.

        Biển Mẹ

Vào lúc tuổi già, mẹ trở thành biển cả đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ, thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của mẹ lúc gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc...
-Phạm Duy-
Phần Biển mẹ gồm 6 đoạn, chia ra làm 7 bài:
  • Đoạn 1: Mẹ trùng dương
  • Đoạn 2: Biển đông sóng gợn
  • Đoạn 3: Thênh thang thuyền về
  • Đoạn 4: Chớp bể mưa nguồn
  • Đoạn 5: Phù sa lớp lớp mây trời cuộn bay
  • Đoạn 6 chia ra làm 2 bài: Mẹ Việt Nam ơi, Việt Nam - Việt Nam
Đây là phần dài nhất của trường ca, mở đầu là Mẹ Trùng Dương với âm điệu miên man, ấm áp và lời ca đằm thắm nhẹ nhàng:
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương
Đó là tiếng vỗ về của mẹ khuyên con trở về, sau khi đã tìm con trong gió phương Bắc, nắng phương Nam. Hình ảnh mẹ đồng hóa với biển, buổi sớm vươn vai đón ánh dương, chiều chơi vơi như nằm trong nỗi thương nhớ những đứa con xa, mẹ cho con tôm to, cá lớn thơm ngon đầy thuyền, mẹ tạo nên mưa gió hiền khô...
Đoạn 1 này thường được các ca sĩ hát riêng thành bài Mẹ Trùng Dương. Đây cũng là phần được nhiều người đánh giá cao nhất. Các phần tiếp theo cũng là những lời khuyên nhủ của biển mẹ đối với những đứa con lạc lối. Bài 3 (Thênh thang thuyền về) kể chuyện các con thuyền, con sông đã nghe được tiếng biển mẹ và quay về trong niềm nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ nước. Phần 4 nối tiếp bằng việc tả ngoại cảnh lúc mẹ chờ con về. Bài 5 tả quang cảnh lúc những đứa con quay về, có đứa nhỏ ra ngoài trời ngắm cảnh mây bay và kể với bà của nó.
Đoạn 5 là phần kết thúc, gồm 2 bài: Mẹ Việt Nam ơi và Việt Nam, Việt Nam. Phần Mẹ Việt Nam ơi ngắn ngủi, âm điệu du dương tha thiết mang lời thề của đứa con "giữ thơm quê mẹ", khi đã về nhà "khát khao hơi mẹ", và hiểu rằng cuộc đời dù phai tàn thì thế giới sẽ vẫn "còn tình yêu mẹ mà thôi".
Phần tiếp theo là bài hát Việt Nam, Việt Nam
Bài này không nói tới chữ mẹ mà nhắc tới Việt Nam 21 lần, xét về nội dung thì không phụ thuộc vào phần "Biển mẹ" nói trên. Phần này chủ yếu ca ngợi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, cùng với chí hướng, ước mơ vươn đến những điều tốt đẹp.
Theo hồi ký Phạm Duy, do muốn trường ca mang tính chất tượng trưng, ông đã dùng âm thể chính là Mi giáng trưởng với những nốt nhạc có dấu giảm. Theo ông: "Về hình thức nghĩa là về nhạc lý, theo tôi, Mẹ Việt Nam mang nhiều tính chất dân ca hơn Con Đường Cái Quan. Vì bài này mang tính chất tả thực (réaliste) nên nó được xây dựng trên âm giai LA MAJEUR nghĩa là với những nốt nhạc có dấu thăng (dièse). Tôi muốn Mẹ Việt Nam mang tính chất tượng trưng (symbolique) nên bây giờ tôi dùng âm thể MIb với những nốt nhạc có dấu giảm (bémol)".
Nhà nghiên cứu Georges Gauthier, tác giả cuốn "Một người Gia Nã Đại và âm nhạc Phạm Duy", sau khi nghe trường ca đã có nhiều khen ngợi. Theo Gauthier, hiếm khi trong tác phẩm của Phạm Duy mà kỹ thuật và súc cảm, lý trí và tình cảm lại hòa hợp với nhau trong một vẻ vĩ đại và toàn hảo vững vàng được như trong bản Mẹ Việt Nam . Gauthier gọi cái đẹp của bản liên-hợp-phổ ấy là cái đẹp cổ điển, một cái đẹp phổ quát, và đoán chừng chỉ có bản trường ca tiếp theo mới có thể so sánh được.
Âm nhạc của trường ca Mẹ Việt Nam, cũng theo Georges Etienne Gauthier, được cấu trí và hòa điệu phong phú hơn, nhưng mang ít tính dân gian hơn so với trường ca Con đường cái quan.
Bắt đầu với cung Cm trong đoạn "Mẹ ta", "Mẹ xinh đẹp", Phạm Duy đã đưa giai điệu qua nhiều cung bậc khác nhau: "Lúa mẹ" bắt đầu bằng cung Emb và kết thúc bằng Cm, sang phần "Sông vùi chôn mẹ" chuyển sang cung Bb. Đến "Dòng sông chia rẽ", giai điệu biến đổi lần lượt, bắt đầu ở cung Bmb, rồi qua Dmb, Fm, Bmb, Emb và Gb. Phần "Biển mẹ" bắt đầu 1 cách tươi tắn bằng cung Eb trong Mẹ trùng dương, dần chuyển sang đoạn kết ở cung Ab.
Trong trường ca, Phạm Duy đã sử dụng 1 số điệu lý, điệu hát ru, điệu hò... quen thuộc trong dân gian, đa phần nằm ở chỗ tiếp nối các đoạn nhạc.
Trường ca Mẹ Việt Nam từng được phổ biến rộng khắp miền Nam Việt Nam từ khi nó ra đời cho đến khi miền Nam sụp đổ. Những ca sĩ hát nó thường hát theo từng phần, trong đó những bài "Mẹ trùng dương", "Mẹ xinh đẹp", "Việt Nam, Việt Nam" được thể hiện qua nhiều giọng ca sĩ. Riêng chung khúc "Việt Nam, Việt Nam" đã trở nên rất nổi tiếng và có thời được đưa ra ứng cử làm bài quốc ca của Việt Nam Cộng hòa.
Cũng như những ca khúc khác của Phạm Duy, trường ca bị cấm trên toàn cõi Việt Nam từ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Đến nay dù nhiều ca khúc của Phạm Duy đã được hát lại, thì toàn bộ trường ca Mẹ Việt Nam vẫn chưa được phép phổ biến ở Việt Nam.
Trường ca Mẹ Việt Nam từng được thu âm vào năm 1965 tại đài phát thanh Sài Gòn bởi ban ca Hoa Xuân, gồm 2 giọng chính đảm nhận đơn ca, lĩnh xướng là Thái Thanh, Duy Khánh, cùng với nhóm hợp ca: Thái Hằng, Kim Tước, Nhật Trường và Trần Ngọc. Phần hòa âm được đảm nhận bởi: Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Đan Thọ. Phạm Duy chỉ đạo nghệ thuật.

Phạm Duy:

Nếu Con đường cái quan là một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt thì Mẹ Việt Nam là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại.
-Phạm Duy-

Xuân Vũ:

Phạm Duy đã vận dụng dân ca cổ truyền vào nhạc mới, vận dụng ngôn ngữ Việt Nam, hiện đại hóa truyện cổ tích, ca dao, đồng dao, làm hẳn công việc biến cải chứ không phải sao chép. Anh tài tình ở chỗ đồng hóa Mẹ Việt Nam vào Ðất Nước Việt Nam. Mô tả Mẹ là một gái quê mang tấm nâu sồng, chân lấm tay bùn rồi lại biến đổi Mẹ thành những người Mẹ trong truyền kỳ lịch sử. Mẹ lại còn được biến hóa ra là lúa xanh rờn, lúa dậy thì, là núi non, là biển cả nữa. Sự chuyển hóa rất hợp lý, vì nghệ sĩ có quyền sáng tác theo ý thích của mình. Molière tạo ra một ông bệnh tưởng, Nguyễn Du tạo ra Nàng Kiều. Cả hai nhân vật của hai tác giả đều được cường điệu hóa (exagéres) nhưng sáng tạo của hai ông rất là hợp lý. Do đó cả hai nhân vật đều rất thực.
-Xuân Vũ-
Trần Văn Ân:
Trường ca Mẹ Việt Nam là một thông điệp tình thương dân tộc vĩ đại như biển Thái Bình, cao ngút như núi mẹ Trường Sơn, phì nhiêu như dòng sông mẹ Hồng Hà...
-Trần Văn Ân-
Georges Etienne Gauthier:
Ðây là một tác phẩm vĩ đại.
...Nếu bản liên hợp phổ Con Ðường Cái Quan đã đẹp đẽ và tuyệt hảo một cách lạ lùng, thì bản liên hợp phổ Mẹ Việt Nam thâm trầm hơn và vĩ đại biết bao, hoàn toàn hơn biết bao ! Từng trang từng trang, hết trang trọng đến lâm ly, hết bâng khuâng lại buồn thảm, rồi rạng rỡ khai phóng và hân hoan. Sức việt tiến thật là khiếp ! Ngôi tuệ tinh năm 1960 đang biến thành một mặt trời, và những tia nắng mạnh mẽ xuyên thủng bầu không khí Việt Nam mỗi lúc một u ám thêm của khoảng giữa những năm sáu mươi vậy.
-Georges Etienne Gauthier-
 Nguồn