Chuẩn bị an táng cho các hài nhi.
Đến xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), hỏi thăm bà Nguyễn Thị Nhiệm, ai cũng biết bà là người khâm liệm, chôn cất hàng trăm hài nhi mỗi ngày, cũng là người chăm sóc phần mộ của trên 6 vạn hài nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc trong 11 năm qua.
View Larger Map
Chúng tôi gặp bà trong một buổi chiều đầu mùa hạ, khi bà đang thành kính thắp những nén hương cho các ngôi mộ chung – nơi chôn những đứa trẻ xấu số, chưa từng được chính danh làm người...
Bà Nhiệm cho biết, điều khiến bà dấn thân vào công việc này là vào khoảng tháng 9/2006, khi bà đi chăm sóc người nhà tại bệnh viện huyện Sóc Sơn và gặp đôi vợ chồng đưa nhau vào đây phá thai. Đôi vợ chồng kia cho biết, cái thai đó là ngoài ý muốn, cũng đã được 6 tháng tuổi.
Làm thủ thuật phá thai xong, cặp vợ chồng kia dìu nhau bỏ đi, còn bà, tuy chỉ là người nghe chuyện, nhưng lại bị cắn rứt lương tâm. Suy đi tính lại, bà cảm thấy không đành lòng nên đã liên hệ với các bác sĩ tại đây để xin thai nhi mang đi mai táng.
Được các bác sĩ chấp thuận, bà Nhiệm liền đưa hài nhi đến khu nghĩa trang gần bệnh viện làm nghi lễ an táng chu đáo. Cho đến bây giờ, mỗi dịp đi qua nghĩa trang đó, bà vẫn nhớ và dành thời gian tới viếng thăm đứa trẻ xấu số. Và kể từ đó, bà Nguyễn Thị Nhiệm quyết bắt tay vào công việc thu nhận thai nhi, khâm liệm và mai táng, với mong muốn duy nhất là để các hài nhi có chốn an nghỉ như người bình thường.
Ban đầu, mỗi ngày bà thu nhận được vài thai nhi, sau đó lên đến hàng chục thai nhi mỗi ngày, đa phần là từ các phòng nạo hút thai tư nhân.
Cho đến nay, số thai nhi được nhóm Thiện Nguyện thu nhận lên đến cả trăm mỗi ngày. Toàn bộ thai nhi sau khi được thu nhận tại các phòng khám, bệnh viện, được thành viên trong nhóm đưa về nghĩa trang Đồi Cốc tập kết và khâm liệm, sau đó bảo quản trong tủ đông lạnh. Tới khi đủ con số 1.000, bà Nhiệm mới cho vào các tiểu sành rồi thuê thợ xây một ngôi mộ lớn để mai táng.
Theo quan sát của phóng viên, căn phòng tập kết các sinh linh chỉ là một phòng cấp 4 đơn sơ, rộng chừng 10m2, nằm giữa nghĩa trang đồi Cốc. Phòng chỉ có một bóng điện tròn nhỏ, bên trong là một chiếc tủ đông lạnh, một số bông băng, quần áo trẻ em.
Những hài nhi nào lớn thì được bà Nhiệm tắm rửa, cho mặc quần áo mới, như một nghi thức dành cho người quá cố. Thai nhi nào nhỏ quá thì bà Nhiệm cho vào một chiếc túi nylon màu trắng có gắn chữ thập, sau đó cuốn bông, vải bên ngoài. Khâm liệm xong, bà Nhiệm cho những hài nhi vào chiếc tủ đông lạnh cao khoảng 80cm, rộng 60cm, dài chừng 1,2m, được bảo vệ bằng một chiếc lồng sắt có khóa.
Những hài nhi mang tên thánh
Bà Nhiệm cho biết, đến nay, nghĩa trang đồi Cốc đã tiếp nhận trên 6 vạn hài nhi. Những ngôi mộ đều được đặt tên các vị Thánh từng tháng theo lịch của đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng có ngôi mộ đặt theo tên riêng của đứa trẻ, trường hợp này, thường là những ca mà cha, mẹ, hoặc người thân của gia đình yêu cầu được đi theo để khâm liệm, mai táng. Số còn lại đều do bà Nhiệm tự đặt tên.
Hiện, nhiều cơ sở nạo hút thai khi gặp phải ca thai nhi lớn, còn trực tiếp gọi điện cho bà Nhiệm đến nhận xác về khâm liệm. Vì vậy, có hôm trời mưa to gió lớn, bà vẫn lên đường đi đón những hài nhi xấu số về chốn an nghỉ vĩnh hằng này. Bà cảm thấy, những đứa trẻ đó vô tội, và đáng yêu như những đứa con của mình.
Từ khi thông tin về nghĩa trang đồi Cốc được các bác sỹ giới thiệu, ngày càng có nhiều người dân trên khắp cả nước gọi điện tới hỏi thăm công việc của bà. Những người đã từng nạo phá thai thì tìm đến nghĩa trang để thắp hương trong ngày lễ, tết. Cũng có trường hợp sau khi bỏ con, họ biết đích xác đứa con của mình đang an nghỉ tại nghĩa trang đồi Cốc đã về đây sám hối ăn năn. “Có nhiều bà mẹ trẻ, không biết vì ngại hay sợ người ta phát hiện, nên đêm đêm, họ đến nghĩa trang đồi Cốc vật vã khóc lóc thảm thiết, nghĩ cũng tội lắm...”, bà Nhiệm kể.
Ngay tại nghĩa trang, bà Nhiệm cẩn thận đặt một vài cuốn sổ để những người cha, người mẹ, hoặc người thân đến viếng thăm có thể chia sẻ tâm tư nguyện vọng.
Phóng viên đã giở ra xem, và thấy trong cuốn sổ dày cả trăm trang, có nhiều dòng lưu bút bày tỏ sự khâm phục đối với công việc đặc biệt của bà Nhiệm và những người trong nhóm Thiện Nguyện. Và ở đó, không thiếu những dòng chữ thấm đẫm nước mắt, sự chua xót, ân hận muộn màng của những người đáng ra được làm mẹ, làm cha, khi đang tâm chối bỏ đứa con của mình…
Bà Nhiệm cho biết, ban đầu khi bà thực hiện công việc này, nhiều người kịch liệt phản đối, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Mãi đến năm 2008 - 2009, mọi người mới dần ủng hộ công việc của tôi.
Đến năm 2011 thì các thành viên trong gia đình bà không những ủng hộ, mà còn trực tiếp tham gia vào công việc này. Hàng ngày, từ chồng, con gái tới con rể của bà đều dành một khoảng thời gian vào cuối giờ chiều, đến các phòng nạo hút thai để xin xác những hài nhi đem về mai táng tại nghĩa trang chung này.
Ngoài ra, bà Nhiệm cũng được người dân trong vùng ủng hộ quần áo trẻ sơ sinh để bà khâm liệm, rồi góp tiền mua tiểu sành, gạch, cát, xi măng để xây những ngôi mộ kiên cố.
Những lời hối lỗi
Đọc những lời tâm sự trong cuốn sổ, chúng tôi thấy có trường hợp, chỉ vì những va chạm nhỏ, xích mích lặt vặt trong cuộc sống, nhưng vì cái tôi quá cao của mình mà nhiều phụ nữ đã tước đi mạng sống của những sinh linh vô tội.
“Có trường hợp, một sản phụ biết được việc làm của nhóm Thiện Nguyện nên đã tự mình đưa con đến để tại khuôn viên của một nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Hà Nội.
Chúng tôi thấy chiếc túi lạ nên mở ra, thấy bên trong là một đứa trẻ mới sinh, đã tím tái. Kèm theo là mẩu giấy ghi những lời sám hối: Xin Chúa hay tha thứ những lỗi lầm của con, cầu xin Chúa hãy cưu mang đứa con của con…”, bà Nhiệm kể, rồi tìm đưa cho chúng tôi xem tờ giấy.
Chúng tôi dừng lại ở một trang viết với nội dung: “Con hãy tha thứ cho cha, mẹ. Con cứ yên nghỉ ở đây, khi nào đến thăm con, sẽ có cả cha và mẹ, mặc dù cha mẹ đã ly hôn”.
Và có rất nhiều những trang giấy khác nét chữ bị nhòe mực, có thể người viết nó trong tâm trạng xúc động, vừa viết vừa khóc. Cũng có không ít dòng được viết một cách vội vàng, cẩu thả, với ngôn ngữ tuổi teen, phải căng mắt đọc một lúc, chúng tôi mới hiểu được. Nhưng dù là tuổi teen hay những người trưởng thành, đều là những lời ân hận day dứt, ăn năn…
Anh Tuấn, thành viên nhóm Thiện Nguyện, tâm sự, từ khi tham gia vào công việc này, anh có cảm giác mình nhạy cảm hơn. Không chỉ gom xác thai nhi tại các phòng nạo phá thai, có hôm anh Tuấn còn bắt gặp thai nhi được gói trong túi nylon để trước cổng bệnh viện, cổng đền, chùa, vỉa hè hoặc thùng đựng rác.
“Những tình huống như thế này, phần lớn là do đẻ non, hoặc sản phụ sinh con ngoài ý muốn… Nếu phát hiện kịp thời thì còn giải cứu được. Nhưng có trường hợp xấu, các thai nhi bị dầm mưa, rồi bị côn trùng cắn, động vật ăn thịt…, ai nhìn thấy cũng động lòng trắc ẩn. Có trường hợp, bố đưa con đi phá thai vì con gái còn đang tuổi trò.
Nhiều người sau khi phá thai tình nguyện đi theo nhóm Thiện Nguyện.
Nguồn - http://www.tienphong.vn/Page/PrintView.aspx?ArticleID=626152 |