11.5.14

Cả Nước Xuống Đường Bảo Vệ Chủ Quyền Tổ Quốc

Thủ tướng: Việt Nam bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp cần thiết


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu mạnh mẽ, thể hiện rõ ràng quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam lên tiếng về vấn đề này sau "sự kiện 1/5".

Thủ tướng phát biểu về thực trạng và vấn đề Biển Đông trước Hội nghị cấp cao ASEAN (Ảnh: Hồng Kỹ)


Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN sáng nay 11/5, Thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề Biển Đông, và bày tỏ thái độ của Việt Nam trước hành động hạ, đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. 
Thủ tướng đã thông tin chi tiết về hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Các hành động phun vòi rồng có cường độ mạnh, dùng tàu đâm vào tàu công vụ và dân sự của Việt Nam đã khiến nhiều tàu hư hại, và gây thương tích. 

Nhấn mạnh tính nguy hiểm của hành động này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc này đã đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. 

Coi trọng mối quan hệ giữa hai nước, Việt Nam đã kiềm chế, thiện chí và đối thoại, giao thiệp nhiều cấp để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng ngược lại Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động vi phạm của mình. 

Song song với việc khẳng định Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bằng mọi biện pháp cần thiết, hợp pháp; Thủ tướng cũng kêu gọi các nước ASEAN, các cá nhân, tổ chức, quốc gia trên thế giới tiếp tục lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. 

Bày tỏ sự đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông, Thủ tướng cũng đề nghị đưa vào Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 24 các nội dung Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp Quốc tế, UNCLOS, DOC... và đề nghị Trung Quốc cùng ASEAN tiếp tục đàm phán về COC.


Lòng dân như nước, sẵn sàng nhấn chìm giàn khoan phi pháp


Sáng 11/5, hàng nghìn người dân Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã tập trung và diễu hành qua nhiều con phố phản đối hành động của Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 11/5/2014, hàng vạn người dân ở các thành phố lớn khắp ba miền Việt Nam tiếp tục tuần hành biểu thị sự phản đối giàn khoan Trung Quốc.

Tại Hà Nội

Nhiều người dân tập trung tại phía trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, bất chấp cái nắng gay gắt đầu hè. Hơn 10h sáng, dòng người từ các ngả đường vẫn tiếp tục hướng về khu vực trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc. Các biểu ngữ “Người dân đồng lòng cùng Chính phủ, chống xâm lược bảo vệ tổ quốc”, “Cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động bất hợp pháp tại vùng biển của Việt Nam”, “Hoàng Sa Việt Nam, Trường Sa Việt Nam”… được giơ cao. “Tôi đến đây để biểu lộ tình yêu tổ quốc, cùng nhân dân cả nước bảo vệ lãnh thổ ông cha để lại. 

 Người dân tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

Chúng tôi cùng đề nghị Trung Quốc dừng ngay các hành động bất hợp pháp, rút ngay khỏi vùng biển của Việt Nam”, bác Hồng nhà ở Hoàn Kiếm chia sẻ.

Gần 10h sáng nay, dòng người khéo đến khu vực Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày càng đông. Dòng người đến biểu lộ tình yêu tổ quốc gồm đủ các thành phần, từ các cụ già, thanh niên, nam nữ. Hàng ngàn người tay cầm cờ tổ quốc, hoạt động có trật tự, cùng đồng thanh yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tại Đà Nẵng

Cùng với nhân dân các thành phố lớn, sáng nay 11/5, hàng trăm người dân Đà Nẵng đã tổ chức diễu hành qua các tuyến phố chính phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển nước ta. 

Hàng chục người dân Đà Nẵng xuống đường phản đối Trung Quốc

Đoàn người bắt đầu từ tượng đài 2/9 đi bộ mang theo băng rôn tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hoa, cờ tổ quốc… đi theo đường 2/9 đến đường Bạch Đằng hô vang khẩu khẩu hiệu “Bảo vệ ngư dân, bảo vệ biển đảo”, “phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam”… 

Đến khoảng 10h, đoàn người kết thúc cuộc diễu hành trước UBND TP Đà Nẵng.

Tại Huế

Vào đúng 8h sáng 11/5, nhiều nhân sĩ trí thức Huế đã xuống đường, miting ôn hòa phản đối hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam. Các nhân sĩ đã tập trung tại công viên Tứ Tượng sát sông Hương rồi đi theo đường Lê Lợi đến gần Phú Xuân. 

Nhân sĩ Huế tập trung tại công viên Tứ Tượng giơ cao biểu ngữ phản đối Trung Quốc

Cuộc miting diễn ra trong vòng nửa tiếng với các động thái ôn hòa như hô vang các khẩu ngữ. Nhiều băng rôn, biểu ngữ “Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi biển Việt Nam” được nhân sĩ Huế giương cao trên đường.

PGS.TS. Bửu Nam thay mặt nhóm miting đã đọc bản tuyên bố của các nhân sĩ trí thức Huế với nội dung như sau: “Hôm nay, ngày 11/5/2014, chúng tôi bày tỏ thái độ công dân phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam một cách ngang ngược, ngạo mạn và xảo trá. 

Chúng tôi đồng tâm nhất trí ra tuyên bố sau: 

Điều 1: Cực lực lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm trắng trợn hải phận của Việt Nam, trước dư luận quốc tế và trước quốc dân đồng bào. 

Điều 2: Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981 ra khỏi hải phận của Việt Nam. 

Điều 3: Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi thuộc về Tổ quốc thiêng liêng Việt Nam”. 

Nhiều nhân sĩ cộm cán của Huế xưa này có mặt trong cuộc miting này như Võ sư Nguyễn Văn Dũng, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, nguyên giám đốc Sở văn hóa thông tin tỉnh Nguyễn Xuân Hoa, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, thầy giáo văn Bửu Nam, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà nghiên cứu đồ cổ Huế Hồ Tấn Phan, nhà báo Thanh Tùng, nhà nghiên cứu chữ Hán Nôm Trần Đại Vinh, nhà giáo nhà thơ Phạm Thị Anh Nga, nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Hữu Châu Phan, nhà báo Lê Văn Lân… 

Đến 8h30’ sáng, cuộc miting kết thúc ở chân cầu Phú Xuân, đường Lê Lợi (TP Huế). 

Tại Quảng Nam

Sáng nay 11/5, tại trụ sở UBND xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) hàng trăm ngư dân ven biển đã tổ chức buổi mít-tinh phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển của nước ta.

Ngư dân Quảng Nam diễu hành phản đối Trung Quốc xâm chiếm vùng biển nước ta

Đây là buổi mít-tinh do Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Minh và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tổ chức.

Từ sáng sớm, khoảng 500 ngư dân từ người già cho đến trẻ em các xã ven biển của huyện Thăng Bình như Bình Minh, Bình Nam, Bình Dương... đã tập hợp tại trụ sở UBND xã Bình Minh cùng với băng rôn, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc… phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển chủ quyền của nước ta. 

Người dân tỏ ra hết sức bức xúc trước hành đồng đặt giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 của Trung Quốc tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Rất nhiều băng rôn, khẩu ngữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam và phản đối Trung Quốc như: Biển đảo của Việt Nam phản đổi Trung Quốc xâm phạm, quyết giữ vững chủ quyền biển đảo; Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại gây ra…

Tại buổi mít-tinh, ông Hồ Thanh Hưởng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Minh - cho biết, việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã gây bức xúc cho người dân trong nước cũng như trên thế giới. “Chúng tôi là những ngư dân nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung kịch liệt phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc. Đề nghị phía Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu thuyền ra khỏi khu vực lãnh hải của Việt nam, chấm dứt những hành động khiêu khích gây cản trở ngư trường làm ăn của ngư dân”.

Ông Hồ Thanh Hưởng kêu gọi bà con ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm bám sát ngư trường, vươn khơi bám biển dài ngày để vừa khai thác nguồn lợi hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân Nguyễn Tấn Hải (ngụ thôn Hà Bình, xã Bình Minh) cho biết sau khi nghe thông tin Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển Hoàng Sa đã hết sức bức xúc vì đây là ngư trường khai thác lâu nay của ngư dân; ông Hải yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng rút giàn khoan. “Chúng tôi kiên định bám biển để lao động sản xuất, giữ gìn biển đảo để sau này con cháu có nơi để sinh sống. Chúng tôi sẵn sàng đưa tàu thuyền ra nơi đặt giàn khoan để biểu tình phản đối Trung Quốc”, ông Hải nói. 

Sau buổi mít-tinh tại UBND xã Bình Minh, hàng trăm ngư dân đã đi diễu hành hướng về phía biển hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền. 

Tại TP.HCM

9 giờ, hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát TP.HCM, giơ cao các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép "Giàn khoan Hải Dương 981” trên biển Việt Nam, đồng thời kêu gọi các chiến sĩ vững vàng bảo vệ biên giới hải đảo...

 Người dân tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

Trước đó, từ 7 giờ 30, đoàn người đã cùng tuần hành qua nhiều tuyến đường như Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Cuộc tuần hành diễn ra trong không khí đoàn kết, ôn hòa. Mọi người nắm tay nhau cảm ơn, bày tỏ: "Việt Nam quyết giữ vững chủ quyền" và "Việt Nam yêu hòa bình". 

Đoàn người với nhiều lứa tuổi, thành phần xuất thân khác nhau sát cánh bên nhau. Tham gia buổi tuần hành có cả em nhỏ 8 tuổi cho đến các cụ già trên 80 tuổi, học sinh, sinh viên, người về hưu, giới trí thức… 

Một Thánh lễ vô cùng đặc biệt

Tối qua, ngày 10/5/2014, các linh mục nhà thờ Thái Hà đã dành cho giáo dân và người dân Hà Nội yêu nước một thánh lễ vô cùng đặc biệt và bất ngờ. 

 Một Thánh lễ vô cùng đặc biệt

Đặc biệt hơn cả là ca khúc “Triệu con tim một tiếng nói” vang lên trong Thánh lễ ngay sau bài giảng vô cùng sâu sắc của linh mục Gioan Nam Phong, theo tiếng nhạc và lời ca tha thiết của một tác phẩm nổi tiếng về tình yêu quê hương đất nước, người dân tham gia Thánh lễ cùng đứng dậy gương cao các biểu ngữ có nội dung phản đối Trung Quốc xâm lược, một số biểu ngữ lớn được người dân gương cao đồng loạt tiến vào cửa lớn của nhà thờ khiến cho Thánh lễ trở nên vô cùng trang trọng và đầy tinh thần ái quốc.

Khi tổ quốc lâm nguy, các linh mục nhà thờ Thái Hà không đưa ra lời kêu gọi sáo rỗng mà linh mục Gioan Nam Phong có một bài giảng vô cùng sâu sắc về “tính trách nhiệm”, trách nhiệm gánh vác giang sơn là một trách nhiệm lớn nhưng linh mục quả quyết “ khi chúa ban cho ta sự sống thì người cũng ban cho chúng ta đủ ân huệ để thực hiện những bổn phận, những trách nhiệm gắn liền trong cuộc đời của mỗi chúng ta”, qua sự phân tích của ông trách nhiệm không còn là gánh nặng nữa mà trở thành nhu cầu, nhu cầu thực hiện các bổn phận và trách nhiệm để hoàn thành cuộc đời mình. 

Các diễn biến nguy hiểm trên biển Đông cũng được linh mục cập nhật cụ thể, Thánh lễ cầu cho quốc thái dân an, cho sự an nguy của tổ quốc, cho công lý và hòa bình trên biển Đông, cho các anh chị em vì chống Trung Quốc mà bị giam cầm tù tội, và kêu gọi giáo dân phản đối Trung Quốc bằng cách mà ta thấy thích hợp nhất theo sự chỉ bảo của lương tâm, ông cũng nhắc lại lời nói của vị vua anh minh Trần Nhân Tông về nhà cầm quyền Trung Quốc với giáo dân.

Lý sự cùn của “kẻ mạnh”

Trung Quốc liên tục đưa ra các lý lẽ bao biện cho hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam, cũng như việc điều 80 tàu bảo vệ. Tuy nhiên, cả về lý và tình, đây chỉ là những lý sự cùn của kẻ tự cho mình ở thế mạnh.

Lý sự cùn của “kẻ mạnh”
Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng

Tham vọng của Trung Quốc tại các vùng biển là rất mạnh mẽ và không dễ gì từ bỏ. Khi đưa ra chiến lược biển cách đây 4 năm, Trung Quốc đã xác định rất rõ 3 mặt trận có thể xoay chuyển luân phiên cho nhau. Đó là với Nhật Bản ở Hoa Đông, với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông. 
Tất cả những hành động này của Trung Quốc không ngoài mục đích mở rộng lãnh hải phục vụ cho ba mục tiêu lớn, gồm phát triển kinh tế, nâng cao vị thế địa chính trị và tăng cường năng lực quân sự. 

Về kinh tế, trong tổng số 5.000 tỷ USD giá trị thương mại tạo ra ở Biển Đông mỗi năm, Trung Quốc chiếm gần một nửa. Biển Đông cũng là nơi chiếm tới 60% tổng lượng dầu mỏ trung chuyển của thế giới. Vì vậy, Trung Quốc muốn chiếm làm của riêng toàn bộ tuyến thông thương đường biển quan trọng này để vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, thỏa mãn cơn khát năng lượng trong thế kỷ 21, đồng thời tạo thành sức mạnh mặc cả trong quan hệ kinh tế với các nước và tổ chức trên thế giới, kể cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay thậm chí cả Nga sau này. Trung Quốc đang nóng lòng tiến đến mục tiêu soán ngôi đầu tàu kinh tế của Mỹ trong vài năm tới. 

Về địa chính trị, bằng việc triển khai chiến lược lấn chiếm dần các vùng biển, Trung Quốc đang dần hiện thực hóa yêu sách về “đường lưỡi bò”, hay còn được gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn” ở Biển Đông. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 chỉ là bước đi đầu tiên trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” đã được Trung Quốc lên kế hoạch lâu nay năm nhằm dựng lên vòng cung “các lãnh thổ di động trên biển”, tạo cho nước này một “thế trận địa chính trị hùng mạnh” ít quốc gia trên thế giới có thể so bì. 

Về quân sự, hiện tại Trung Quốc chưa đảm bảo được lối ra và tuyến đường đi an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân cũng như hệ thống các tàu quân sự, tàu sân bay. Các tàu ngầm hạt nhân hiện nay của Trung Quốc thuộc thế hệ cũ, tạo tiếng ồn khá lớn khi di chuyển. Trong khi đó, thềm lục địa của nước này lại có cấu tạo nhô lên khá cao trên diện rộng. Vì thế, nếu không mở rộng diện tích vùng biển kiểm soát vượt xa bên ngoài điểm gãy lục địa, các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ dễ dàng bị đối phương phát hiện và theo dõi do không đạt được độ lặn sâu tối thiểu 200 m dưới mặt nước biển. Đó là chưa kể, Trung Quốc hiện cũng đang rất “khát” các vùng biển sâu để “có sân luyện tập” cho tàu sân bay đầu tiên của nước này mang tên Liêu Ninh, cũng như các tàu sân bay khác đang trong quá trình chế tạo. 

Để thực hiện các tham vọng trên, Trung Quốc quyết đẩy mạnh các hành động gây hấn và lấn chiếm bất chấp đạo lý cũng như luật pháp quốc tế. Nhưng khi hành động được dẫn dắt bởi những tham vọng mù quáng, một nước - dù đang trên đường trở thành cường quốc - cũng rất dễ mắc phải sai lầm, nhất là khi những lý lẽ đưa ra hoàn toàn không đủ sức thuyết phục nếu không muốn nói chỉ là những lý sự cùn. 

Thứ nhất, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tàu thuyền và tài sản của các nước có quyền qua lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác nhưng không có quyền khai thác hay tiến hành hoạt động vơ vét tài nguyên trong khu vực này nếu không xin phép và nhận được sự đồng ý rõ ràng của nước sở tại. Việc Trung Quốc thả trôi giàn khoan Hải Dương-981 rồi sau đó tìm cách đặt vị trí cố định giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động vi phạm trắng trợn công ước. 

Thứ hai, Trung Quốc không ngừng khẳng định vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của nước này vì chỉ cách đảo Hải Nam 194 km. Tuy nhiên, khi đưa ra những lý lẽ này, các nhà cầm quyền với những cái đầu nóng ở Bắc Kinh đã cố tình lờ đi một thực tế rằng vị trí hạ đặt giàn khoan chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý, ít hơn nhiều so với khoảng cách từ Hải Nam. 

Thứ ba, cũng theo UNCLOS, bất kỳ đảo đá nào nhằm nhô lên trên mặt biển khi thủy triều dâng cao đều có thể tạo ra các vùng lãnh hải nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ của đảo đá đó. Địa điểm do Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm cách đảo Tri Tôn 18,5 hải lý về phía Nam. Do đó, vị trí này sẽ mãi mãi “không nằm bên trong các vùng nước của Trung Quốc”. 

Thứ tư, trước nay Trung Quốc luôn ngăn cản các nước, trong đó có Việt Nam, và các tập đoàn kinh doanh quốc tế tiến hành các hoạt động tìm kiếm, khai thác năng lượng tại các khu vực mà Trung Quốc cho rằng đang có tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, bản thân nước này lại thường xuyên và hiện đang làm một việc tương tự, thậm chí còn gia tăng mức độ hung hăng khi cử tới 80 tàu các loại, gồm cả 7 tàu chiến hải quân, hộ tống việc hạ đặt giàn khoan. Đáng lên án hơn, khu vực hạ đặt giàn khoan không phải nằm trong vùng biển tranh chấp, mà là thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. 

Thứ năm, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai tuyên bố bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, Trung Quốc quyết định chĩa mũi nhọn vào Việt Nam. Trung Quốc cho rằng chỉ cần đặt cố định được một giàn khoan thì sau này có thể nhân rộng hoạt động ra hàng chục vị trí khác nằm dọc theo “đường chín đoạn” đã được nước tuyên bố áp đặt một cách phi lý. 

Nhưng khi thực hiện các hành động trên, Trung Quốc quên mất những điểm mấu chốt có tính chất quyết định cục diện an ninh trong khu vực là Biển Đông không phải là “ao nhà” của họ. Luật pháp quốc tế không phải là một trò đùa và dân tộc Việt Nam với hơn 90 triệu dân đang một lòng hướng về quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng mọi giá. 

Việc Bắc Kinh đơn phương hành động dựa trên những lập luận coi thường luật pháp quốc tế, xem nhẹ chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, tự mâu thuẫn với chính những hành động cũng như tuyên bố của mình trước đây chỉ càng làm cho thế giới nhìn thấy rõ hơn bộ mặt giả dối của một quốc gia luôn khẳng định đang trỗi dậy hòa bình nhưng trên thực tế lại là nhân tố gây bất ổn nguy hiểm trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn - Đức Vũ - http://dantri.com.vn/su-kien/ly-su-cun-cua-ke-manh-873239.htm