13.9.13

Thi Ca - Phạm Công Thiện - Khúc thứ 8 - Ngày Sanh Của Rắn

PCT
Gs. Phạm Công Thiện 1941-2011


mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây







gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông


gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông


Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Học vấn của ông là cả một bí ẩn. Tuy chưa bao giờ có một mảnh bằng Tú tài trong tay nhưng ông đã được nhiều trường Đại học nổi tiếng thế giới mời giảng dạy, trong đó có trường đại học Yale của Mỹ và Sorbonne của Pháp.

Ở lứa tuổi chưa tới 16, ông đã trở thành cộng tác viên trẻ nhất của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Phạn và tiếng La Tinh. Tất cả những điều này đều được chứng nhận qua các vị học giả và các chuyên gia ngôn ngữ học của nhiều trường Đại học.


Nguồn:
Phạm Công Thiện - Hiu hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng  
Phạm Công Thiện - Thần Đồng Ngôn Ngữ, Triết Học

Chuyện Bên Lề - Lê Cát Trọng Lý - Ai cũng có nỗi buồn, sự cô đơn trống trải và mất mát trong lòng

Gặp Lê Cát Trọng Lý một sáng đầu hè oi bức ở Hà Nội. Lý bé nhỏ, đầu cạo trọc, quần jeans áo jeans đơn giản - lên sân khấu cô còn đơn giản nữa là. Một chút trang điểm cũng không.
Quán café ở một biệt thự cổ, trên con phố nhỏ ít xe qua lại, mà hẳn không nhiều người Hà Nội biết đến, nhưng lại là chốn lui tới yêu thích của Lý. Lý nhìn nắng “chênh vênh” trên tường, kêu lên “đẹp quá!”. Bài hát của Lý, nào là “Chênh vênh”, nào là “Lẩn thẩn”, nào là “Ngây ngây”. Nhưng, trong câu chuyện, có vẻ là một Lê Cát Trọng Lý mạnh mẽ. 

Lê Cát Trọng Lý: Ai cũng có nỗi buồn, sự cô đơn trống trải và mất mát trong lòng
Mạnh mẽ vì cô kiên trì với dòng nhạc của mình, cách làm việc của mình, thực hiện được dự định của mình. Và biết rõ mình. Nhưng, rút cuộc, vẫn là cảm giác như lúc nào cô cũng “Thu lu” ngồi đâu đó một góc trong đời, chẳng làm phiền đến ai. Chỉ trừ những bài hát của cô… Nó chạm đến trái tim người khác…

Lý vừa ra mắt phim tài liệu âm nhạc “Vui” về chuyến rong ruổi cùng âm nhạc. Hành trình đó hẳn rất nhiều “vui”?
Vui có, buồn có, khó khăn thuận lợi có, nhưng quý nhất là mình được sống hết sức. Với tôi đó là niềm vui. Vui không phải là lúc nào cũng phơi phới, mà là đi theo cái bên trong mình và sống với nó một cách trọn vẹn.

Nếu hỏi lại Lý về khoảnh khắc nhớ nhất trong chuyến đi?

Khoảnh khắc đáng nhớ thì nhiều lắm. Nhưng tôi không nghĩ nhiều về kỷ niệm. Tôi làm vì một mục đích cụ thể, chia sẻ một việc cụ thể thì tôi nhớ, giờ nói lại chuyến đi thì không nhớ nữa. 


Gần đây Lý hay xuất hiện trên sân khấu cùng với hai nghệ sĩ nhạc dân tộc Ngô Hồng Quang (nhị) và Đức Minh (đàn môi). Sự kết hợp đó có đem lại sự thay đổi nào cho âm nhạc của Lý?

Cái gốc thì không thay đổi. Tôi thích sự kết hợp đó. Lúc chơi nhạc, anh Quang và anh Minh đem lại cảm giác trong sáng, họ thích chơi nhạc thật sự và yêu âm thanh mà họ tạo ra. Họ đem lại sự rung động cho khán giả. Tôi thích tâm hồn của hai anh trong âm nhạc.

Khi biểu diễn, Lý hay hỏi khán giả nhạc của Lý có làm mọi người chán không, buồn ngủ không, sao Lý quan tâm đến tâm trạng khán giả như vậy?

Khán giả là nền tảng để tôi làm việc, không có khán giả thì không có tôi luôn. Sáng tác của tôi là dành cho tôi, nhưng biểu diễn là dành cho khán giả. Biểu diễn có khán giả khác với chơi nhạc một mình trong phòng. Việc chia sẻ, quan tâm đến tâm trạng của mọi người là một phần trong công việc. Nếu không phù hợp thì tôi sẽ điều chỉnh.

Khán giả rất chia sẻ với Lý mà, đêm diễn nào cũng cháy vé! 

Một số người. Tôi không kỳ vọng tất cả mọi người đều yêu mến mình. Nhưng tôi dành cho mọi người sự trân trọng như nhau. Và sự chia sẻ đó nhiều hơn âm nhạc, đó là sự chia sẻ về tinh thần.

Có phải vì âm nhạc của Lý nói hộ tâm trạng nhiều người?

Ai cũng có nỗi buồn, sự cô đơn trống trải, mất mát trong lòng. Tôi không nói hộ, tôi chỉ nói sự thật. Họ cảm thấy là vì họ có sẵn điều đó.

Khi Lý hát một mình trong phòng với khi hát trước khán giả, có khác gì nhau không?

Khi hát trước khán giả, tôi cũng khoanh một vùng riêng giống lúc hát trong phòng. Sau khi hát tôi chia sẻ với mọi người rất nhiều. Nhưng lúc hát thì y như trong phòng kín. Mình có 3 phút đó sống trọn vẹn với bài hát đó. Xưa ồn ào thì tôi phân tâm, khó chịu, sau này ồn ào hay im lặng không ảnh hưởng đến tôi. Một hay 1.000 khán giả là như nhau. Nếu trong 1.000 người ít nhất có 1 người muốn nghe mình hát, nếu mình không yêu mình, tôn trọng mình, sống trọn vẹn với bài hát trong 3 phút đó, thì là không tôn trọng một người đang chăm chú nghe đó. Điều đó hơi khắt khe, không phải lúc nào cũng làm được, nhưng trong nghề của tôi đó là một phẩm chất cần thiết. 


Hát, có vẻ giống thiền?

Bình thường thôi. Đó là công việc mà. Khi làm việc mà tôn trọng chính mình thì ít có khả năng mình không tôn trọng người khác. Bình thường mình dễ sai với người khác. Tôi nghĩ nên kỹ, nên cẩn thận. Khi nào mình tổn thương vì những sai lầm của mình, lời nói, hành động, việc làm, nếu cái sai cứ lặp lại thì tổn thương cứ lặp lại. Tôi là người yêu mình, không muốn lặp lại tổn thương đó mãi, nên có xu hướng điều chỉnh.

Bài hát của Lý hay nhắc đến “giấc mơ không có thật”, “giấc mơ đã mất”… 

Đó là tôi tưởng tượng khi người già hoài niệm về những ước vọng không thực hiện được. Thực ra cần gì già, 30 tuổi là có thể hát về giấc mơ đã mất rồi. Nếu đủ duyên, đủ điều kiện thì giấc mơ sẽ hoàn thành.

Lý có giấc mơ nào “không có thật”?

Tôi không nghĩ nhiều như vậy. Tôi đặt mục tiêu thì sẽ hoàn thành mục tiêu. Trong công việc tôi rất rõ ràng. Trong tình cảm hay là gia đình, bạn bè cũng vậy. Không hoàn thành thì chịu thôi. Nhưng ngay cả không hoàn thành thì mình đã sống trọn vẹn với mình. Ước mơ không mang lại lợi ích gì cho mình và mọi người thì từ bỏ không hối tiếc, dành năng lượng làm cái khác.

Ở khía cạnh nào đó Lý rất mạnh mẽ? 

Tôi là người yếu đuối nên phải làm tới cùng. Nếu đủ mạnh thì sẽ thấy việc gì tới sẽ tới. Nhưng vì yếu đuối nên cố gắng hết sức, kiên trì đến cùng. Lúc kiên trì sẽ tìm thấy nhiều sự thật trong đó. Sự thật về bản thân mình, về đối tượng mà mình theo đuổi, dù là vật chất hay tinh thần.

Lý có gọi mình là thành công trong âm nhạc không?

Thời điểm này, nghề giúp tôi sống được không phụ thuộc vào ai. Tối thiểu của một người trưởng thành trong xã hội hiện đại là độc lập, đơn giản vậy thôi. Còn hôm nay thành công, mai thất bại là bình thường. Hôm nay danh tiếng, mai hư danh là bình thường. Khó lường lắm.

Một mình Lý làm tất cả, từ sáng tác đến tổ chức biểu diễn. Vất vả quá. 

Cái thế phải làm vậy. Người khác làm không đúng hết ý mình. Với lại tôi muốn làm thử cho có kinh nghiệm. Nếu sản phẩm sống được thì tôi có thể chia sẻ phương pháp của mình với mọi người. Khó, nhưng vẫn có con đường cho những người độc lập làm được. Chịu khó làm việc thôi, không có cách nào khác. Tôi yêu quý, trân trọng công việc của mình.

Độc lập trong âm nhạc có khó khăn với Lý?

Không khó nếu biết đủ. Nếu cứ mong chờ thì sẽ khó. Cách làm việc của tôi là biết sử dụng phương tiện, nhưng luôn luôn trong tâm thế của người bắt đầu. Kinh nghiệm nhiều hơn hay danh tiếng chỉ là phương tiện, công cụ. Nếu trong tâm thế của người đã đi xa rồi thì không làm việc được, vì mình khẳng định mất rồi. Mà khẳng định rồi là không sáng tạo được nữa.

Lý có phát hoảng vì nhạc thị trường không?

Mọi người nói nhiều về nhạc thị trường, nhưng tôi không phủ nhận người ta. Không có họ, không có mình luôn. Họ làm nên sự khác biệt của mình.

Nhìn rõ về mình, về cuộc sống quá, có tốt không?

Vậy mù mờ về nó thì tốt sao?

Lý có thấy mình hạnh phúc?

Lúc có, lúc không. Hạnh phúc là chập chờn mà. Mất đi điều kiện của hạnh phúc là thấy đau khổ ngay. Với người này, hạnh phúc là con cái, với người khác, là công danh, tiền bạc. Hạnh phúc thật là không có điều kiện.

Nếu nghĩ tới những địa điểm đã qua và đã sống, nơi nào Lý muốn ở lại nhất?

Nơi nào có người tôi yêu thương.

Có vẻ Hà Nội đã thành rất thân thiết với Lý thì phải?

Tôi yêu Hà Nội. Thân hay không thì không biết. Nhiều khi yêu nhưng thân không nổi thì sao? Có những người như vậy mà.

Người ta hay nói, mỗi lần thay đổi kiểu tóc là có một sự thay đổi trong cuộc sống… 

Có. Với tôi là tốt. Là được sống nhiều hơn. Khi cắt tóc tôi mất khoảng 50% fan hâm mộ, Cũng may họ chỉ buồn tý xíu thôi. Ba tôi nói không biết con làm gì, hình ảnh tóc xù dễ thương xây dựng bao nhiêu năm, đi vào lòng người. Tôi nói, ba muốn người ta yêu con vì tóc hay vì là chính con, vì âm nhạc, nỗ lực của con? Khi quyết định cắt tóc, không phải là tôi không sợ đâu. Nhưng là tuyên chiến đấy. Cắt tóc hay không thì tôi không thay đổi nhiều. Nhưng cắt tóc cho tôi nhiều dũng khí đối mặt với những khó khăn lớn hơn.

Suy nghĩ cách này, Lý có thấy đơn độc?

Đơn độc tốt mà. Bản chất của mình là đơn độc. Mình không sống tách rời mọi người, nhưng bản chất là đơn độc.

Tuổi 25, giống tên một album của Lý – mà giờ thực ra 26 rồi, Lý có thấy mình khác trước?


Có lẽ là ít quyết liệt hơ
n. Hôm nay còn khác hôm qua nữa mà.

Âm Nhạc - Trịnh Công Sơn - Hôm nay tôi nghe

Trình bày: Lê Cát Trọng Lý



Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi 

Về giữa trời về hót giữa đời tôi. 
Hôm nay tôi nghe 
Tôi cười như đứa bé 
Mới lớn lên giữa đời sống kia 



Tôi thấy màu xanh hát trong lời gió 
Và thấy bình minh thắp trên ngọn lá 
Tôi thấy ngày thật lạ 
Xao xuyến từng nỗi nhớ 





Cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề 
Những con tim bạn bè bao la 
Tôi thấy chiều không nói lời lặng lẽ 
Và thấy hoàng hôn áo vàng rực rỡ
...... 
Đêm bước về thật nhẹ 
Sương khoác mềm vai phố.




Đọc thêm:
Chuyện Bên Lề - Lê Cát Trọng Lý

Thi Ca - Tô Như Châu - Có phải Em mùa thu Hà Nội

Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ 
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm 
Có phải em là mùa thu Hà Nội 
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm 
Có phải em mùa thu xưa




Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay





Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát

Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ




Tô Như Châu (1935-2000) tên thật là Đặng Hữu Có, vốn sinh sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng. Theo anh, bài thơ nói trên được anh viết từ thời còn rất trẻ. Cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, anh rất mê những cô gái Bắc di cư, và đã mơ mộng về mùa thu Hà Nội qua hình ảnh một cô gái Bắc xỏa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Bài thơ được Trần Quang Lộc – một nhạc sĩ trong những nhóm thân hữu thường đàn đúm với anh thời đó đã đồng cảm phổ thành ca khúc hát chơi với bạn bè. Cả hai mơ ước ngày thống nhất cùng về đất Thăng Long, nhưng khi hòa bình đến thì mỗi người thất tán mỗi nơi…
Trên thực tế, ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” từng có mặt trong một băng nhạc tại miền Nam trước 1975, từ 1990 được chính thức phổ biến trở lại với giọng hát Hồng Nhung, rồi Thu Phương… khiến nhiều người ngỡ là bài hát mới. Đáng nói hơn, ngay thời điểm anh Tô Như Châu bắt đầu nhận công việc đi bỏ báo thì bài hát này bỗng dưng rộ lên trở thành ca khúc Top 10 về Hà Nội. Hầu như mọi lúc mọi nơi, hang cùng ngõ hẻm nào cũng thường xuyên vang lên những lời ca: “Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…” .

Nguồn:

Chuyện Bên Lề - Bảo Yến: 'Nhạc sến là gì Quốc Trung có hiểu không?'


Danh ca điềm tĩnh nói lên chính kiến của mình trước phát ngôn của Quốc Trung về nhạc sến.


Nhạc sỹ Quốc Trung gọi nhạc trữ tình lãng mạn là nhạc sến. Là một ca sĩ lâu năm trong nghề chị nghĩ gì về nhận xét trên?
Mọi người cũng từng biết những bản tình ca nổi tiếng với phần lớn là tiết điệu bolero của các nhạc sỹ Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Anh Bằng… đã chinh phục nhiều thế hệ người nghe.
Thực chất, những người nghe nhạc rất tinh tế và công bằng, không nể nang bất kỳ ai đâu. Vì vậy, để chinh phục và bắt họ ngồi bật dậy ra khỏi nhà giữa trời mưa lạnh đến nhà hát, bỏ tiền triệu ra mua vài tấm vé, thưởng thức những bản nhạc trữ tình thì đó phải là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.
Bên cạnh đó, những giai điệu chân tình mộc mạc với những ca từ thổn thức, đậm chất văn chương, tình đời, tình người vốn đã đi sâu vào lòng những người yêu nhạc.
Tuy nhiên nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng: "Thanh niên mà đắm đuối với nhạc sến là điều bất thường"?
Trong từ điển âm nhạc Việt Nam không có từ nhạc “sến” mà chỉ có dòng nhạc thính phòng, nhạc trữ tình, nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca 3 miền. Nhạc “sến” là dùng để ngồi nói chuyện với nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Người ngoài không phải là ca sĩ, nhạc sĩ thì có thể dùng từ đó nhưng Quốc Trung là một nhạc sĩ mà dùng từ này để “hạ bệ” dòng nhạc trữ tình là không nên. Nhạc sến là gì? Vì sao có từ "sến" Quốc Trung có hiểu không? Nó bắt nguồn từ thời Pháp thuộc để chỉ những người phụ nữ không có học hành mà ăn diện lòe loẹt, đỏm dáng nhưng ưa nói chữ nghĩa để ra vẻ ta đây là dân sành điệu. Vì vậy, mọi người mới dùng từ “sến” cũng đồng nghĩa với từ “con sen” (người giúp việc) để ghép với cái tên Mary thành Mary sến. Từ đó từ "sến" ra đời và người ta chỉ dùng từ này để nhận xét về thẩm mỹ của một ai đó chứ không phải để nói đến âm nhạc.
Vậy thì dòng nhạc mà Quốc Trung gọi là “sến” thì phải gọi như thế nào mới đúng, thưa chị?
Chính là nhạc trữ tình nhưng nó được phân ra nhiều dòng, ví dụ như nhạc tình được gọi là sang trọng phải kể đến Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... Còn nhạc tình gần gũi với đời sống quảng đại quần chúng thì có Lam Phương, Trúc Phương, Minh Kỳ, Anh Bằng… Người thích loại này, người thích kiểu kia.
Tôi là người đã mấy mươi năm trình diễn cả hai dòng nhạc này nên tôi biết rất rõ. Khán giả không phải nghe dòng nhạc sang trọng là có trình độ học vấn cao, hay nghe những ca khúc gần gũi mộc mạc là độ văn hóa thấp. Tôi có rất nhiều khán giả là bác sĩ, giáo sư, nhà giáo say mê Bảo Yến với những giai điệu cùng những ca từ mộc mạc và dung dị. Tùy vào tính cách và hoàn cảnh, mỗi người sẽ chọn cho mình một dòng nhạc ưa thích.
Còn chuyện ca sỹ trẻ chuyển qua hát nhạc “sến” như một trào lưu?
Thực ra, các ca sĩ chuyển qua hát nhạc "sến" hay còn gọi là nhạc trữ tình vì thể loại này kiếm tiền nhiều và nhanh hơn nhạc sang. Bởi vì, đa số quần chúng thích nghe những giai điệu nhẹ nhàng gần gũi với gia đình và cuộc sống của họ. Vì vậy, để có thu nhập cao, nhiều ca sĩ sẽ chuyển qua hát nhạc trữ tình. Khi đã dư giả thì họ quay lại hát nhạc sang.
Tuy nhiên không ít người cho rằng hát nhạc “sến” là để chứng minh đắng cấp?
Những ca sĩ mà cho rằng hát nhạc sến để chứng minh đẳng cấp là sai và ảo tưởng. Chỉ cần hát hay, truyền cảm và có nội lực để dẫn dắt người nghe vào những giai điệu là thành công, dù chỉ hát được một dòng nhạc mà thôi. Chứ không phải hát nhạc “sến” là đẳng cấp đâu. Theo tôi, hát được nhiều thể loại mà không ra gì thì ca sĩ đó chỉ đáng hạng C, hạng D. Vì thế những người ấy nên chuyển sang nghề khác còn hơn.
Thêm vào đó, nhạc sỹ Huy Tuấn cho rằng ca sĩ đua nhau hát nhạc sến là adua thiếu nhận thức, chị nghĩ sao?
Người ta có quyền thích nhạc sang lẫn nhạc trữ tình và tôi là một điển hình. Còn Huy Tuấn có lẽ chỉ thích một phía và đó là phần khiếm khuyết của anh ấy. Làm sao mà có thể không mê dòng nhạc nổi tiếng từ bấy lâu nay của Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương… vốn là những tay “phù thủy” của ngôn từ và giai điệu?
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã phát biểu trên truyền hình: "Ca sĩ mà không đi học thanh nhạc qua trường lớp thì sẽ kéo theo một lớp khán giả vô học - ngưu tầm ngưu mã tầm mã". Ý kiến của chị thế nào?
Đó là ý kiến quá sức chủ quan. Nhạc sĩ hay ca sĩ cũng vậy, học hành là rất tốt. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chưa phải là tất cả.
Một nhạc sĩ tốt nghiệp trường âm nhạc quốc gia chỉ tương đương với người học kẻ nhạc trình bày nốt nhạc và để accord cho một bài nhạc trên nền tảng cơ bản mà thôi chứ những điều cơ bản chưa hẳn là một nhạc sĩ tài hoa thật sự. Người viết nhạc tốt, ngoài khả năng trời phú về tư duy, ý tưởng tác phẩm, viết những giai điệu tuyệt vời phải có thêm khả năng văn chương giỏi (ngoài kiến thức được học ở trường), ý nghĩa thâm thúy, melody (giai điệu) độc đáo, sự dàn trải khúc thức bài hát thật cân xứng, khi nó vang lên ngoài những khán giả mộ điệu thì những nhạc sỹ khác cũng phải thán phục.
Nói tóm lại ca sỹ học về lý thuyết và kỹ thuật thanh nhạc cũng như nhạc sỹ học về giáo trình Lý - Sáng - Chỉ (Lý luận, phê bình - Sáng tác - Chỉ huy) là để nắm những điều cơ bản. Ví dụ ca sĩ phải biết mình hát tone gì, quãng giọng của mình cao thấp, phải biết phân biệt giọng nào là alto, tenor, soprano… để biết đâu là nhịp 2/4, 3/4, 4/4, 6/8. Còn để hát được nhạc trữ tình thì còn phải tùy vào cái duyên chứ kiến thức trường lớp không quyết định đến sự thành công trên con đường âm nhạc.
Nghĩa là nhiều người cần có bằng cấp để thể hiện đẳng cấp?
Cả ba chị em tôi Bảo Yến, Nhã Phương và em út là nhạc sĩ Kim Tuấn được ba tôi (nhạc sĩ Thủy Triều) dạy nhạc từ nhỏ. Năm 22 tuổi, tôi đã đi tìm một giáo viên thanh nhạc rất nổi tiếng để học thêm chương trình nâng cao kỹ thuật, học được một tuần thì anh Quốc Dũng biết được nói với tôi: “Em dẹp ngay cho anh, đừng học nữa. Vì học kiểu đó nó sẽ bóp chết cái giọng tự nhiên của em, lúc đó em hát chỉ nghe toàn giọng mái, giọng óc mà chất giọng đó không hấp dẫn người nghe". Tôi tự nghĩ mà thấy đúng nên nghe theo. Bên cạnh đó, với sự say mê, học hỏi miệt mài, tôi đã chinh phục tất cả các thể loại nhạc quốc tế.
Tôi biết có những ca sĩ được đào tạo trường lớp nhưng luôn hát chênh, phô và trật nhịp. Vì vậy, khi tập bài hoặc làm quen với những tác phẩm âm nhạc mới thì rất chậm. Nhạc lý thì chỉ có vậy mà đem ra lòe với thiên hạ, người ngoài giới họ dễ bị lầm tưởng là giáo trình dạy và học nhạc khó khăn lắm nhưng đối với người trong nghề mà đem chuyện học hành ra để tự trấn an đó là vũ khí của những người nương tựa nghệ sỹ không bản lĩnh, không tự tin thì chỉ xứng làm trò cười trò trẻ con.
Nguồn: Cảnh Thiên - Báo Đất Việt